Nhà máy nước xã Hưng Thông có vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng, với công suất thiết kế 1.000 m3/ngày để cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân ở địa bàn. Công trình do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2014.
Năm 2018, dự án cơ bản hoàn thành với hệ thống nhà làm việc; hai hồ chứa; khu xử lý và đường ống dẫn nước (mạng lưới cấp nước cấp III)... Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy chưa một lần vận hành.
Hiện, cổng vào luôn khóa, phía trong im lìm, xung quanh cỏ mọc um tùm. Một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, hoen gỉ, bể lắng trơ đáy, rêu mốc...
Nhiều người dân địa phương bức xúc bởi công trình hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi họ chưa có nước sạch. "Mấy chục hộ ở xóm tôi vẫn sử dụng giếng khơi gần cánh đồng để sinh hoạt, nguy cơ ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, nước bẩn từ chăn nuôi ngấm xuống giếng rất cao", một người nói.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, cho biết hơn 5.000 nhân khẩu đang có nhu cầu sử dụng nước máy. Bởi nước từ giếng khơi và giếng khoan không đảm bảo vệ sinh và nhiễm phèn, trong khi bể hứng nước mưa thì không đủ sử dụng.
"Trước việc nhà máy nước chưa thể vận hành, xã đã nhiều lần có văn bản kiến nghị cấp trên có hướng xử lý, song chưa có kết quả", ông Phúc nói.
Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên, giải thích nguyên nhân chính do thiếu nguồn nước thô đầu vào để sản xuất. Khi thiết kế xây dựng, nguồn nước thô được lấy từ kênh gần đó. "Do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây nước từ kênh này bị cạn, mặt khác còn phải cung cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp, do đó không đủ nguồn nước thô cho nhà máy", vị này nói.
Chính quyền cho rằng chi phí tìm nguồn nước thô từ nơi khác để thay thế đang gặp khó khăn bởi chi phí lắp đường ống dẫn tốn kém. Huyện đang kêu gọi một số đơn vị vào đầu tư, nhằm sớm vận hành công trình, đưa nước về tận hộ.
Bên cạnh đó, công trình còn một số vướng mắc khác như đường ống cấp nước chưa vào tận nhà các hộ dân; ở địa bàn chưa có đơn vị nhà nước nào đủ chuyên môn quản lý vận hành.