- Xin ông cho biết tại sao nước lại có màu vàng đục, tanh nồng?
- Nhà máy Nước Cáo Đỉnh có 9 giếng đang được khai thác. Về quy trình xử lý, chúng tôi tập trung tách sắt trong nước ngầm, sau đó mới dùng clo để sát trùng. Qua kiểm tra, các giếng 3, 4, 5, 6, 7, 8 có thành phần sắt tăng gấp 7-8 lần cho phép. Điều này làm cho nước đục, tanh.
- Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng nước bị nhiễm sắt?
- Có 3 lý do. Thứ nhất là các mao mạch, lưu mạch ở tầng nước ngầm biến động và nhà máy chưa kiểm soát chặt chẽ hiện tượng này. Thứ hai là do chưa hoàn thành xong đường ống phi 800 từ Cáo Đỉnh về đầu phố Hoàng Quốc Việt (dài hơn 3.000 m), nên hệ thống khai thác và cung cấp nước vẫn chưa chạy hết công suất. Thứ ba là do thiết bị điều chỉnh tốc độ lọc của Nhà máy Nước Cáo Đỉnh khá mới, hiện đại, nhưng lại chưa hoạt động ổn định.
- Người dân phản ánh, sau khi sử dụng nước nhiễm sắt đã bị mẩn ngứa, đau mắt. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Tôi có thể khẳng định, khi sử dụng nguồn nước vừa qua, người dân không bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trước khi đến với người tiêu dùng, nước đã qua một quá trình xử lý nghiêm ngặt, được tách sắt, măng gan và sát trùng. Chúng tôi đã cho ngừng hoạt động nhà máy nước Cáo Đỉnh ngay khi phát hiện sự cố, đồng thời điều chỉnh bơm nước từ Yên Phụ lên, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Còn đối với nguồn nước bị vàng, sau khi để lắng, vẫn có thể sử dụng được.
- Khi nào Nhà máy Nước Cáo Đỉnh hoạt động trở lại?
- Cho đến ngày 12/10, các đơn vị giám sát báo cáo, nguồn nước đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra, dự kiến đến 16/10, nhà máy sẽ hoạt động trở lại.
(Theo Lao Động)