Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) , 2018 là một năm nhiều khó khăn khi triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Đại diện tập đoàn chia sẻ, những vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến các hạng mục thi công tại dự án vẫn tương đối chậm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các mốc tiến độ quan trọng, cụ thể là mốc khởi động bằng dầu đầu tiên (đốt dầu) và mốc khởi động bằng than lần đầu (đốt than).
Ngoài ra, theo đại diện PVN, việc chưa chọn được nhà thầu có đủ năng lực vận hành chạy thử nhà máy cũng ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án. Theo đó, công tác hoàn thiện phần xây dựng, lực lượng nhân lực, máy móc thiết bị, huy động của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Độ trễ cũng bắt nguồn từ việc triển khai mua sắm vật tư chậm, cung cấp thiếu đồng bộ và thiếu chi phí do phải thu hồi tạm ứng và chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán.
Căn cứ thực tế triển khai dự án, PVN đã báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh tiến độ của dự án như Tổ máy 1 hoàn thành vào tháng 6/2019 và Tổ máy 2 hoàn thành vào tháng 9/2019.
Nỗ lực về đích
Tính đến hết năm 2018, hầu hết các hạng mục xây dựng chính của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đều hoàn thành cơ bản. Tiến độ tổng thể dự án đạt gần 83%, cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị khu vực nhà máy chính, hệ thống khí nén. Dự án đang tiếp tục triển khai các hạng mục cung cấp nguyên nhiên liệu, phụ trợ như than, dầu.
Về công tác chuẩn bị phát điện, nhà máy đã hoàn tất các hạng mục công việc liên quan đến công tác đóng điện ngược sân phân phối điện 220kV và vận hành sân phân phối 220kV. Quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng đã hoàn tất.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án tập đoàn PVN đã thành lập Ban chỉ đạo cùng các phòng ban chuyên trách, tích cực hỗ trợ cả về con người lẫn thiết bị đưa trực tiếp đến công trường.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013. Quyết định này đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung còn vướng mắc. Theo PVN, với tổng mức đầu tư lên đến 1,7 tỷ đôla mỗi tháng chậm tiến độ sẽ khiến đơn vị này mất hàng triệu đôla tiền lãi phải trả cho các tổ chức tín dụng.
(Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)