Tại hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam ngày 29/8, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 cho biết, từ khi vận hành vào cuối năm 2015, nhà máy đã kết hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu, tìm giải pháp tái sử dụng tro xỉ. Hiện toàn bộ phần tro xỉ đáy của nhà máy (400.000 tấn một năm) đã có đơn vị bao tiêu để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, trộn bê tông tươi, trong khi lượng tro xỉ bay (600.000 tấn một năm) lại đang bế tắc đầu ra.
Theo vị này, bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 có dung tích 2,25 triệu m3, nay đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3. "Chỉ khoảng 8 tháng nữa là nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa, đồng nghĩa lãng phí gần 37.000 tỷ đồng đầu tư của Nhà nước", ông nói và đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép công ty được đầu tư xây dựng bãi thải xỉ số 2 để tích trữ tro bay trong thời gian tìm lối ra cho loại nguyên liệu này.
Tương tự, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 mỗi năm thải ra hơn 2 triệu tấn tro xỉ than. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với 2 nhà máy này để lấy tro xỉ làm vật liệu xây dựng, tuy vậy kết quả rất hạn chế và hầu như chưa có lối ra. Dự kiến 2 năm nữa nếu không có giải pháp tiêu thụ thì bãi tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải sẽ đầy tràn và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Lượng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận, bài toán tiêu thụ tro xỉ hiện nay đúng là "khá nan giải" với các nhà máy nhiệt điện. Trong khi hầu hết các nhà máy nhiệt điện phía Bắc tro xỉ thải tìm được đầu ra sản xuất gạch không nung, phụ gia xi măng... thì tại khu vực phía Nam vẫn chưa hình thành được thị trường tiêu thụ. Các nhà máy như nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải... đã ký được hợp đồng dài hạn với đối tác tiêu thụ, nhưng số lượng rất ít.
Với 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành mỗi năm tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than, thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và ước tính con số này sẽ tăng lên gần 23 triệu tấn sau 3 năm nữa. "Tiêu thụ tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than gặp khó từ 2 phía: thị trường và các quy định pháp lý liên quan...", đại diện Bộ Công Thương nói, đồng thời cho biết, cơ quan này sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng nhanh chóng sửa đổi quy định về xác nhận quy chuẩn môi trường trong tiêu thụ tro xỉ, coi đây là vật liệu trong ngành xây dựng.
Tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, xu hướng chung các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện.
“Trên thế giới hiện nay, điện năng từ nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi các quốc gia trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo, từ đó mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, ông Nghĩa nói.
Tại Việt Nam, năm 2015 thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh theo nhu cầu tổng sản lượng điện. Nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4%, sẽ tăng lên 49,3% vào năm 2020 và 55% sau đó 5 năm. "Sau khi dừng điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới năm 2030 tỷ lệ nhiệt điện than có thể tới 59 - 60%", ông Nghĩa dự báo.
Trước thông tin Trung Quốc tuyên bố từ nay đến 2025 sẽ đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than, ông Nghĩa nói thêm, không ai bỏ ra tiền tỷ USD để đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa. Các nhà máy điện mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa đều là các nhà máy điện hết niên hạn sử dụng.
"Cần lưu ý rằng Trung Quốc có cả nghìn nhà máy nhiệt điện than, việc đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than đã hết niên hạn sử dụng và có công suất bé là chuyên bình thường. Trung Quốc không hề ngưng nhiệt điện than. Hiện nay Việt Nam mới chỉcó 16 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, nhưng cũng đã tuyên bố sẽ đóng cửa 1 nhà máy trong số đó", ông lưu ý.
Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, trong đó 7 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng than nội địa chất lượng thấp (cám 6), 14 nhà máy dùng công nghệ than phun (PC) sử dụng than nội địa chất lượng tốt hơn (cám 5), than nhập ... với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW.
Anh Minh