Theo đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đây là chuyến dầu thô đầu tiên của năm 2019 mà nhà máy lọc dầu Dung Quất đón nhận. Con tàu PVT HERA có trọng tải 105 DWT chở lô dầu DQR 0612/2018+SD 876 với khối lượng 77.000 tấn dầu thô đã cập phao rót dầu không bến (SPM) vào sáng 4/1. Dầu thô được vận chuyển từ mỏ Bạch Hổ và Sư Tử Đen.
Dù thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của cơn bão số một (Pabuk), tàu dầu PVT HERA vẫn cập SPM thành công vào lúc 11h30 cùng ngày. Sau khi vận hành đấu nối đường ống bơm, các thủ tục đo đạc hàng hóa, thủ tục dỡ hàng... hoàn thành, tàu bắt đầu vận hành bơm dầu vào khu bể chứa dầu thô. Dự kiến thời gian bơm từ 30 đến 36 giờ.
"Công tác nhập dầu thô phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khắc nhiệt của miền Trung, nhất là từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, khi các cơn bão nhiệt đới thường đổ bộ vào khu vực này. Nhiều chuyến dầu phải giãn ngày cập bến nhưng do lường trước các nguy cơ từ biển, công tác nhập dầu thô vẫn diễn ra đúng tiến độ, an toàn cho tàu, phao rót dầu và nguồn dầu", Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, việc nhập thành công 800 chuyến dầu thô giúp nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động liên tục, an toàn, ổn định ở 105% công suất. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, BSR đã nhập 63 triệu tấn dầu thô, sản xuất và tiêu thụ 57,3 triệu tấn sản phẩm (chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu cả nước).
Doanh thu đạt 994.670 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD); nộp ngân sách 157.160 tỷ đồng (gần 7 tỷ USD). Riêng năm 2018, BSR sản xuất trên 7 triệu tấn sảng phẩm, vượt 111,3% kế hoạch năm; doanh thu đạt khoảng 113.500 tỷ đồng, đạt 145,3% kế hoạch; nộp ngân sách hơn 11.600 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn dầu thô cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất đang có sự dịch chuyển giảm dần dầu ngọt Bạch Hổ. Lúc mới đi vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến 100% loại dầu ngọt này. Nhưng sau 3 tháng tiếp nhận bàn giao nhà máy, tháng 8/2010, BSR đã chế biến thử nghiệm thành công lô dầu thô nhập khẩu đầu tiên Azeri từ Azerbaijan, Địa Trung Hải.
"Việc chế biến thành công lô dầu phối trộn đầu tiên này ghi nhận sự chủ động trong việc đánh giá loại dầu thô có thể chế biến nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung dầu thô ổn định cho nhà máy lọc dầu Dung Quất", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Nhằm tối ưu hóa sản xuất và có thể tiếp nhận những nguồn dầu thô mới có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn dầu Bạch Hổ, năm 2015, BSR đầu tư dự án phân xưởng thu hồi lưu huỳnh 2 (SRU2), nhờ đó giúp mở rộng, nâng tỷ lệ phối trộn của các loại dầu thô lên cao đáng kể.
Trong danh sách 57 loại dầu thô đã được đánh giá có thể chế biến tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhiều loại dầu đạt tỷ lệ phối trộn trên 50% như Azeri (Azerbaijan); Qua Iboe, Escravos, Bonny Light (Nigeria); Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo (Việt Nam)... Nhờ đó, sản lượng tăng từ 2,5 triệu thùng lên hơn 7 triệu thùng một ngày.
"Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ. Và dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất thành công, không chỉ đa dạng nguồn dầu thô ngoại nhập mà còn nâng cao được tiêu chuẩn khí thải từ Euro 2 lên Euro 5", lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh.
Tâm Anh