Các phóng viên đi tham quan nhà máy Fukushima số 1 bằng xe buýt. Ảnh: REX |
Nhằm xoa dịu và lấy lại niềm tin trong công chúng, công ty điện lực Tokyo (Tepco) đã cho phép các phóng viên đi tham quan quanh nhà máy và tận mắt chứng kiến quá trình cải thiện các lò phản ứng sau khi hệ thống làm mát bị phá hủy.
Ngày 11/3 năm ngoái, một cơn địa chấn mạnh 9 độ richter kèm sóng thần đã càn quét cả khu vực bờ biển phía đông Nhật Bản, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, đường sá và làm ít nhất 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Các lò phản ứng của nhà máy Fukushima số 1 bị hư hại nặng, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1986.
AFP cho hay các phóng viên được đưa đi dạo quanh nhà máy bằng xe buýt và chỉ được phép ra khỏi xe một lần. Tất cả đều mặc quần áo bảo hộ, găng tay hai lớp, bốt nhựa, lưới và mũ trùm đầu, đeo mặt nạ hô hấp và thiết bị dò phóng xạ.
Giám đốc Fukushima I, ông Takeshi Takahashi, cho hay nhiệm vụ của hơn 3.000 công nhân đang làm việc trong nhà máy là đảm bảo sự an toàn cho các lò phản ứng và không để xảy ra tình trạng rò rỉ phóng xạ nữa.
"Thử thách chính của chúng tôi bây giờ là di chuyển nhiên liệu hạt nhân ra khỏi các lò phản ứng. Đó là một vấn đề rất khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng chúng tôi muốn thực hiện điều này từng bước một", ông nói. "Chúng tôi sẽ cố gắng để người dân được quay về nhà sớm nhất có thể".
Chuyến thăm của các phóng viên đã hé lộ hình ảnh bên trong nhà máy, với lò phản ứng số 3 chỉ còn là một mớ kim loại hỗn độn, tầng mái đã bị thổi bay trong một vài vụ nổ sau động đất. Trong khi đó, lò phản ứng số một hiện được bao phủ hoàn toàn bằng bạt nhựa. Các phóng viên cũng nhìn thấy công nhân đang làm việc trên mái của lò phản ứng số 4 bị hư hại.
Các vụ nổ là một phần nguyên nhân gây rò rỉ hạt nhân ra không khí, đất đai và nguồn nước, khiến khoảng 80.000 người dân sống quanh nhà máy phải di tản. Trong khi đó, phóng xạ vẫn được phát hiện trong cá, thịt, rau, nước uống hàng ngày, gây hoang mang cho người dân cả những khu vực vốn không chịu ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa kép. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nhà máy đã đạt trạng thái "tắt nguội" và sẽ sớm đi vào ổn định.
"Chúng tôi thực sự lấy làm tiếc về sự bất tiện mà sự cố này đã gây ra cho mọi người. Đã gần một năm sau thảm họa và khi nhìn lại, tôi nhận ra điều tồi tệ nhất là chúng tôi đã không kịp sơ tán những người dân địa phương và khiến cả đất nước phải sống trong nỗi sợ hãi phóng xạ", ông Takahashi tỏ lời xin lỗi trong chuyến thăm của các phóng viên.
Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã công bố lộ trình đóng cửa nhà máy hạt nhân Fukushima. Theo đó, sẽ phải mất 2-3 thập kỷ để nhà máy này ngừng toàn bộ hoạt động.
Anh Ngọc