Chủ nhật, 1/12/2024
Thứ năm, 24/6/2021, 12:02 (GMT+7)

Nhà máy đốt rác điện lớn nhất nước sắp vận hành

Hà NộiNhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày, sẽ vận hành vào tháng 9 này, sau nhiều lần trì hoãn.

Trạm xử lý nước thải được thiết kế 3 dây chuyền sản xuất (công suất xử lý là 580 tấn/dây chuyền/ngày). Trong đó, dây chuyền số 1, số 3 đã hoàn thành; dây chuyền số 2 đang được hoàn thiện. Khu xử lý nước thải đang được hoàn thiện để cuối tháng 8 sẽ căn chỉnh nước rỉ rác.

Hệ thống xử lý khí thải và nước thải sẽ hoạt động đồng bộ cùng lúc khi nhà máy đi vào hoạt động.

Lối vào nhà máy có 5 cầu cân; các xe rác về tới đây sẽ dừng lại, check-in, cân và đi vào cửa đổ rác.

Ngày 28/5, nhà máy đã tiếp nhận những xe rác đầu tiên đi qua trạm cân, chính thức vận hành giai đoạn 1 tiếp nhận xử lý rác sau 21 tháng thi công. Hiện nhà máy tiếp tục hiệu chỉnh kỹ thuật. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tiếp nhận 450-500 xe rác mỗi ngày.

Ban duy tu được thành lập để cùng Sở Xây dựng Hà Nội và nhà máy thực hiện Cuốn sổ tay vận chuyển rác.

Cụ thể, mỗi xe chở rác của 17 đơn vị tại Hà Nội sẽ được lắp chip và cung cấp một thẻ ra vào. Trong thẻ chứa thông tin về địa bàn tiếp nhận rác, lái xe, biển số, đơn vị vận chuyển... Thời gian tới, nhà máy tới sẽ tập huấn cho từng lái xe về công tác vận chuyển.

Nhà máy có 16 cửa đổ rác, mỗi cửa sẽ phù hợp với từng loại xe đổ rác của Việt Nam.

Cẩu siêu trọng đặt trên cao, di chuyển bằng thanh ray, với cánh tay kéo dài để đảo trộn rác và sẽ gắp rác từ bể chứa vào lò đốt.

Dự kiến, với 4.000 tấn rác được đốt, lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15-20%; còn lại nhà máy đã ký hợp đồng với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn một sẽ vận hành lò đốt số 3-4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1-2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3). "Trong điều kiện thuận lợi, nhà máy sẽ phát điện sau 15 ngày đốt lò. Dự kiến cả 3 tổ máy vận hành cùng lúc vào tháng 11 năm nay", ông Li Ai Jun, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết.

Bể có thể chứa hàng nghìn tấn rác cùng lúc. Khi đưa vào hoạt động, bể sẽ hoàn toàn khép kín, rác vào đây sẽ được ủ khoảng 10 ngày rồi chuyển vào lò đốt. Tại đây có quạt thông gió công suất lớn hoạt động một chiều để mùi không rò rỉ ra ngoài gây ô nhiễm.

Hiện tại Hà Nội đang có 10 loại xe chở rác có độ cao, tải trọng riêng nên nhà máy đang căn chỉnh chính xác. Mỗi xe đổ rác vào ra trong nhà máy chỉ không quá 3 phút.

Công nhân thi công hệ động điện của cửa đổ rác tại nhà máy chính.

Nhà máy chính đã hoàn thành thi công phần kết cấu sàn đổ rác số 1, số 2, lắp đặt hệ thống lò đốt và hàn nối đường ống, cơ bản lắp đặt lò hơi tận dụng nhiệt và đang lắp thiết bị.

Rác sau khi vào lò đốt sẽ sinh nhiệt thải và tro xỉ đáy lò. Tro xỉ được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt chuyển đến tuabin máy phát để tạo ra điện.

Dự kiến, ngày 5/9 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành căn chỉnh toàn bộ hệ thống trong 25 ngày, sau đó những lò đốt đầu tiên đi vào hoạt động.

Trước đó, chủ đầu từ đã hai xin lùi tiến độ dự án. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày thành phố có trung bình 6.000 tấn rác cần xử lý. Phần lớn khối lượng trên được chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn dự kiến xử lý hơn 2/3 số rác của toàn thành phố; được kỳ vọng giảm ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Ngọc Thành