Một nhóm nhà khoa học quốc tế tìm cách biến CO2 thu được thành khoáng chất cứng trong vài năm qua. Dự án mang tên CarbFix tập trung vào nhúng CO2 vào nước và bơm xuống lòng đất ở độ sâu 700 m. Khi tiếp xúc với đá bazan, dung dịch CO2 nhanh chóng hình thành một khoáng chất chứa carbon, New Atlas hôm qua đưa tin.
Trước đó, giới nghiên cứu cho rằng quá trình khoáng hóa có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu trong thời gian từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, nhưng các nhà khoa học thuộc dự án CarbFix rất bất ngờ khi phát hiện CO2 trở thành khoáng chất cứng trong thời gian chưa đến hai năm.
Nhà máy thu thập khí carbon từ không khí ở Zurich của Climeworks. Video: YouTube.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy khoảng 95 - 98% CO2 bị khoáng hóa trong thời gian dưới hai năm, tốc độ này nhanh tới mức đáng kinh ngạc", tiến sĩ Juerg Matter, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Climeworks trở thành công ty tiên phong ứng dụng hệ thống DAC mới trong vài năm qua. Công nghệ cho phép thu thập CO2 từ không khí xung quanh vào một máy lọc được cấp bằng sáng chế. Sau đó, CO2 được tinh lọc và bán cho các doanh nghiệp cần khí CO2 cho mục đích thương mại. Nhà máy đầu tiên của Climeworks ở Zurich vận chuyển khí CO2 thu được cho một nhà kính ở gần đó.
Quá trình cô lập carbon, trong đó khí CO2 được thu lại và lưu trữ trong hồ chứa dưới lòng đất, trở thành đề tài gây tranh cãi trong những năm gần đây. Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts năm 2015 chỉ ra các quá trình cô lập trước đây không hiệu quả. Tuy có thể thu giữ CO2, chúng ta chưa có phương pháp quy mô lớn nào để loại bỏ khí này một cách an toàn, gây lo lại khí CO2 đã cô lập có thể rò rỉ trở lại khí quyển.
Việc kết hợp công nghệ DAC của Climeworks với quá trình khoáng hóa CarbFix cho phép tạo ra hệ thống không chỉ trung hòa carbon mà còn không làm rò rỉ carbon.
Phương Hoa