Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm có từ rất lâu. Nhưng nhiều doanh nghiệp tìm đủ cách "nán" lại. Vụ cháy nhà kho Rạng Đông cùng hậu quả tai hại về môi trường buộc chính quyền tỏ ra quyết liệt hơn với chủ trương di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư. Tiến độ này có thể còn được đẩy nhanh khi dư luận đang đồng thuận.
Khu vực chung quanh Công ty Rạng Đông không ô nhiễm mãi vì một số đơn vị đang tiến hành tẩy độc. Khi mọi chuyện xong xuôi, một trong những kịch bản dễ tưởng tượng là một loạt tòa nhà dăm sáu chục tầng mọc lên, kết hợp chung cư lẫn thương mại. Vì nó ở vị trí khá đẹp, các vị khách phải xếp hàng mua.
Chúng ta vẫn thường ban ra những chính sách hết sức hợp lý, hợp tình trong xử lý môi trường và quản lý đô thị. Hà Nội đã lên kế hoạch di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ hơn chục năm trước. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015. Theo đó, những cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp và cả các cơ quan đơn vị nếu không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường đều thuộc đối tượng này.
Và chúng ta, hầu như ai cũng từng đôi lần nghe các quan chức đăng đàn nói rằng, sau khi di dời, quỹ đất sẽ được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, trường học... Nhưng rất khó để tìm thấy chúng. Trong khi đó, có bao nhiêu khu đô thị, khu chưng cư hay những tòa cao ốc có "tiền thân" là những nhà máy, xí nghiệp? Tôi chắc rằng, ngay cả những chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc cũng phải mất ngày mất buổi mới thống kê được.
Royal City - khu chung cư "hạng sang" gần ngã tư Sở mọc lên trên đất của Nhà máy Cơ khí Hà Nội lừng danh một thuở. Khuôn viên Nhà máy Dệt 8-3 cũ bây giờ là khu đô thị nổi tiếng Times City. Nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định, Hoàng Mai đã "biến hóa" thành Nam Đô Complex với hai tòa chung cư chót vót và một tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex ở số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy vốn là khu đất thuộc nhà máy Bánh kẹo Tràng An. Chưa có thống kê chính xác, nhưng tỷ lệ nhà máy cũ chuyển thành cao ốc mới gần như là tất cả. Danh sách này, đang được nỗ lực kéo dài.
Có lần tôi dự một hội thảo của tổ chức Health Brigde, Canada. Các chuyên gia công bố một nghiên cứu mà ai cũng phải giật mình: có những phường trên địa bàn Hà Nội gồm hàng chục nghìn dân, nhưng chỉ có vài chục mét vuông sân chơi, như phường Trung Phụng, quận Đống Đa, vì không có quỹ đất. Các phường tương tự Trung Phụng không hiếm, chỉ có điều những con số ấy ít khi được chính quyền nhắc đến.
Tạm gác những thống kê, tôi cũng cược rằng, trong chúng ta, có biết bao nhiêu người quay quắt vì trẻ thiếu chỗ chơi, và cuống cuồng lo chỗ học. Nhiều năm nay, khu vực Hà Nội luôn thiếu trường lớp. Quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, có những lớp học sĩ số lên đến hơn 70 học sinh. Và đó cũng là những địa bàn đã và đang tích cực nhất trong chuyển đổi cơ sở sản xuất cũ thành những cao ốc mới. Dường như thiếu là việc của thiếu. Xây là việc của xây.
Mỗi khi nói về vấn đề tại sao sau khi di dời cơ sở sản xuất, không có các công trình công ích mọc lên, phía chính quyền thường đưa ra đủ lý do, nhất là "không có cơ chế". Tôi thấy thật lạ. Xây dựng cơ chế là việc của chính quyền. Tại sao chính quyền không ban hành chính sách hỗ trợ điểm đến cho doanh nghiệp; đồng thời xây dựng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng ở điểm di dời để xây dựng công trình công ích?
Nhu cầu sân chơi, vườn hoa, trường học, công viên là cấp thiết thì có thể điều chỉnh quy hoạch để khu đất từng sản xuất trở thành không gian của công trình công cộng. Một điều lạ nữa là trong khi tỏ ra lúng túng với quỹ đất di dời để xây dựng công trình công ích, chính quyền lại thường rất nhanh chóng trong thu hồi, giải phóng mặt bằng, ruộng đất của người dân để xây khu đô thị. Còn mỗi khi họ điều chỉnh quy hoạch chung, chủ yếu là điều chỉnh để phục vụ cho việc xây nhà cao ốc, hoặc nâng tầng.
Tôi có "duyên nợ" với trục đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, nơi có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Hai chục năm trước, khi học đại học ở khu vực này, tôi đã có đầy đủ trải nghiệm thế nào là "ngã tư khổ" - một cách chơi chữ của "ngã tư Sở", tên gọi chính thức của nó. Nhiều năm qua, các công trình hạ tầng được xây dựng thêm, đường được nới ra. Nhưng ùn tắc cũng tăng trưởng theo. Tác nhân của tình trạng đó, không thể không kể đến những tòa cao ốc. Bây giờ, những "quả bom nổ chậm" về môi trường - những cơ sở sản xuất bám theo tuyến đường này - đang được đốc thúc để di dời, trong đó có Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Nhiều người khấp khởi mừng. Nhưng có lẽ, họ mừng hơi sớm. Sẽ có những "quả bom dân số" mới khi những tòa cao ốc mọc lên. Chưa biết cái nào nguy hại hơn. Và câu chuyện chuyển đổi từ "bom môi trường" thành "bom dân số" ở tuyến đường này chỉ là một trong nhiều thí dụ đang diễn ra khắp Hà Nội.
Giang Nam