Trong báo cáo tài chính vừa công bố, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã CK: DPM) đã xác định "mất trắng" khoản vốn đổ vào Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex). Đây là công trình có tổng mức đầu tư 325 triệu USD tại Hải Phòng với chủ đầu tư do Đạm Phú Mỹ (góp 25,99% vốn) và Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam, góp 74% vốn) thành lập.
Báo cáo nêu trên của Đạm Phú Mỹ cho biết doanh nghiệp đã thôi ghi nhận khoản đầu tư nêu trên trong sổ sách, trong khi từ cuối năm 2014, khoản này còn được định giá 562 tỷ đồng, rồi giảm xuống 198 tỷ hồi đầu năm ngoái. Công ty cũng cho biết đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho khoản góp vốn trên.
Tương tự, đối tác còn lại của dự án là PetroVietnam cũng như "ngồi trên đống lửa" khi báo cáo năm 2015 của tập đoàn tiết lộ khoản lỗ 1.255 tỷ đồng của PVTex, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng.
Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời. Đây cũng không phải lần đầu tình trạng này xảy ra khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, chi phí dừng vận hành (bảo dưỡng, bảo toàn nhà máy khi không sản xuất) đã lên tới 120 tỷ đồng, trong khi con số cùng kỳ của 2014 là 221 tỷ.
Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỷ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.
Trong văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định: "Tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nhà máy có nguy cơ phá sản. Do vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là hỗ trợ vốn cho công ty tồn tại, cấp vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất".
Theo đó, Bộ cam kết đồng hành giải quyết những khó khăn, song những vấn đề vượt thẩm quyền thì cần xin ý kiến Chính phủ. Trước đó, các bên liên quan đã đề nghị phía BIDV và một số ngân hàng khác cho PVTex giãn nợ, tiếp tục tìm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng phần vốn góp của PetroVietnam tại đây.
PVTex ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Khi đó, với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi. Công trình khi đó còn có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú, song 2 đơn vị này đã sớm rút lui.
Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Trước và sau khi vận hành thương mại, nhà máy đã nhiều phải tạm dừng hoạt động để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn.
Một trong những khó khăn chính khiến công ty thua lỗ triền miên từ khi đi vào vận hành là giá dầu thô, bông giảm kỷ lục khiến giá bán sản phẩm của công ty, vốn đã ở mức thấp vì chất lượng, càng gặp khó (giá bán trung bình có năm thấp hơn thị trường 20 USD). Công ty luôn ở trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động. Thêm vào đó, tỷ giá năm 2015 biến động mạnh làm tăng chi phí nguyên liệu đầu tăng cao, cạnh tranh quyết liệt với các nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nhà máy trong nước.
Sau khi đi vào hoạt động, nhiều kết quả thực tế chênh lệch lớn với tính toán khi triển khai dự án. Chẳng hạn chi phí điện cả năm dự kiến chỉ 4,7 triệu USD nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD, dự định nhân công ban đầu là 460 người nhưng thực tế số lượng trên 1.000 người. Giá sản phẩm xơ dự kiến là 1.550 USD một tấn nhưng thực tế chỉ 929 USD. Giá thành phẩm sợi trong tính toán là 2.400 USD nhưng hiện tại giảm xuống 1.324 USD một tấn. |
Kỳ vọng vào việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhu cầu tự chủ nguyên liệu cao để hưởng lợi thuế quan, song PVTex vẫn đặt kế hoạch lỗ 501 tỷ đồng năm 2016, lỗ 112 tỷ đồng năm 2017 và đến năm 2018 bắt đầu hoà vốn và có lãi.
Để thoát lỗ, PetroVietnam kiến nghị cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng các doanh nghiệp dệt may phải sử dung các sản phẩm của công ty, tăng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm dệt may xuất khẩu. Trước mắt yêu cầu Vinatex và các doanh nghiệp trực thuộc hỗ trợ mua các sản phẩm xơ sợi với giá thị trường. Miễn hoặc giảm các chi phí điện, nước, chi phí thuê đất đai, chi phí quản lý, xử lý nước thải trong vòng 2 năm. Miễn thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm xơ sợi của công ty.
Đồng thời, doanh nghiêp đề xuất xây dựng hàng rào thuế quan, hạn ngạch đối với các mặt hàng xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan… PVTex cũng kiến nghị nâng tổng vốn đầu tư thêm 34 triệu USD lên 359 triệu USD, thời gian thu hồi vốn là gần 23 năm thay vì gần 9 năm như trước đó. Công ty dự kiến vận hành lại vào quý I/2016 nhưng đến nay nhà máy vẫn tạm ngừng hoạt động.
Bạch Dương