Thứ tư, 15/1/2025
Thứ tư, 23/2/2022, 06:00 (GMT+7)

Nhà mấp mô cuối con dốc ở Sài Gòn

Giải pháp thay đổi độ cao sàn tạo ra những góc nhìn khác nhau, giúp không gian thông thoáng và sinh động.

Gắn bó với con đường Tam Châu, TP Thủ Đức từ lâu nên khi xây nhà mới, gia chủ vẫn chọn nơi này. Căn nhà nằm trên mảnh đất 175 m2 cuối con dốc mà người dân ở đây gọi là "dốc Đà Lạt".

Ngôi nhà dành cho ba gia đình với ba thế hệ cùng chung sống nên vừa phải ấm cúng vừa phải đảm bảo riêng tư. Bên cạnh đó, nhóm thiết kế cũng cần giải quyết vấn đề là tránh nắng cho nhà phía Tây.

Để hòa hợp với bối cảnh mật độ xây dựng còn thấp của khu dân cư, nhà có một trệt hai lầu, trong đó lầu hai được ẩn đi như phần áp mái. Cây xanh tạo bóng đổ và cửa lam gỗ bảo vệ căn nhà khỏi ánh nắng.

Tầng trệt là không gian sinh hoạt chung của gia đình. Các khu vực chức năng liên thông với nhau và với hai khu vườn trước, sau nhà.

Không gian trệt liên kết các tầng phía trên bằng khoảng thông tầng.

Ở khoảng thông tầng này, nhóm thiết kế bố trí một thư viện với phần sàn được nâng lên cao hẳn.

Sự thay đổi về độ cao sàn tạo ra các độ mở và độ che phủ khác nhau trong cùng một không gian. Căn nhà cũng trở nên thú vị hơn với những đứa trẻ.

Khoảng thông tầng kết hợp với sàn mấp mô còn giúp các thành viên dễ nhìn thấy nhau.

Sàn cao thấp còn được áp dụng ở các phòng khác. Trong phòng ngủ, nó tăng diện tích lưu trữ đồng thời giảm bớt ánh nắng vào nhà.

Vì dành cho ba gia đình, yêu cầu riêng tư được cả gia chủ lẫn nhóm thiết kế chú trọng. Người từ phòng ngủ phía trước tự do lên vườn sân thượng, phòng ngủ ở lầu hai cũng có sân riêng.

Cùng với khoảng sân và hệ cửa lam gỗ bên dưới, những khoảng lùi bên trên góp phần che nắng cho căn nhà để các thành viên có không gian sống mở nhưng tránh được tác động tiêu cực từ môi trường.

Công trình hoàn thành năm 2021.

Minh Trang
Ảnh: Quang Dam - Dung Huynh
Thiết kế: G+architects