Hôm nay (2/8), Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các doanh nghiệp Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV công bố gói hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng vì Covid-19, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà của khách hàng trên toàn quốc, các nhà mạng tiếp tục tăng gấp đôi băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang và không thay đổi giá. Đồng thời, người dùng sẽ được tặng thêm 50% dung lượng data di động cho tất cả gói cước đang sử dụng hoặc đăng ký mới.
Với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, khách hàng sẽ được tặng thêm 50 phút gọi nội mạng.
Các gói cước data ủng hộ quỹ vaccine được giảm giá đến 50%. Như gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng...
Gói hỗ trợ này theo ước tính của các doanh nghiệp, lên tới 10.000 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài 3 tháng.
VNPT cho biết, nhằm giúp khách hàng đảm bảo duy trì liên lạc trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách vì dịch bệnh, các thuê bao trả sau của VinaPhone đang chậm trả cước sẽ không bị khóa chiều gọi đi và với thuê bao trả sau đến thời điểm bị khóa hai chiều sẽ không bị khóa chiều nghe.
Mobifone thông báo sẽ giảm 50% giá gói cước data phổ biến nhất giúp đỡ người nghèo, người có thu nhập thấp trong việc sử dụng các gói data ngày, cũng như giảm 45% cước giá gói ngày thông thường tới thuê bao tại các tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16.
Chia sẻ tại buổi làm việc với các nhà mạng, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, lúc khó khăn này, liên lạc viễn thông, Internet nhiều khi là cách duy nhất để chính phủ kết nối với người dân để hỗ trợ. "Không có liên lạc sẽ dẫn đến nhiều cái không khác, trong đó có cái đói. Càng giãn cách xã hội, nhu cầu kết nối càng cao", ông nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá, việc tăng 50% dung lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng là thách thức với các nhà mạng. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị giai đoạn phát triển hậu đại dịch. Theo ông, người dân dùng nhiều internet, dịch vụ viễn thông là chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.
Anh Quang Thắng, một khách hàng tại Hà Nội, bày tỏ vui mừng khi người dân được chia sẻ khó khăn kịp thời, đồng thời đề xuất các nhà mạng cân nhắc giảm thêm giá vào tiền cước hàng tháng để góp phần giảm trực tiếp chi phí hàng tháng. Anh cho biết, một tuần nay chỉ ở nhà sử dụng Internet, gần như không dùng 4G/5G nên được tặng data di động có thể không dùng hết giống đợt dịch năm ngoái.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý đề xuất của Bộ Công Thương, giảm 10% tiền điện cho hộ gia đình dùng trên 200 kWh một tháng. Với hộ dùng dưới 200 kWh một tháng, giảm 15% tiền điện. Mức giảm áp dụng cho số tiền trước thuế VAT và trong 2 tháng (cho kỳ hoá đơn tháng 8 và 9/2021). Đây là đợt hỗ trợ tiền điện thứ tư vì Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
Các ngân hàng mới đây cũng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu miễn, giảm tiếp phí chuyển tiền cho khách hàng khi giao dịch trực tuyến. Việc miễn, giảm này đã được họ áp dụng từ năm ngoái đến nay. Hiệp hội ngân hàng cho biết, đã nhiều lần đề xuất các nhà mạng giảm phí dịch vụ viễn thông SMS cho họ để cùng hỗ trợ khách hàng. Một số ngân hàng đã miễn phí SMS thông báo biến động số dư tài khoản cho khách hàng cho biết đang phải tự bù tiền để trả các mạng khoản này. Tuy nhiên, sau hơn một năm đề xuất, tới nay, các nhà mạng vẫn chưa có bất kỳ động thái hỗ trợ nào.
Anh Tú