Tại hội thảo "Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?" được tổ chức giữa tuần này, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông cho biết sẽ cho phép các nhà mạng triển khai thử nghiệm mạng 4G trong năm 2016 và đến 2017 sẽ cho khai thác thương mại.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, đại diện Cục Viễn thông, cơ quan quản lý dự kiến cấp phép cho 3 doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm. Hiện nay theo quy định, mỗi nhà mạng sẽ được triển khai hoạt động này tại 3 tỉnh, thành phố, phù hợp hiện trạng hạ tầng viễn thông của mình.
Về phía doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc VNPT Net - Nguyễn Nam Long nhận định hiện các nhà mạng đều đã sẵn sàng về hạ tầng, còn việc chuyển dịch từ thuê bao 2G, 3G lên 4G được bao nhiêu sẽ do nhu cầu của người dùng. "Hiện nay vẫn còn khoảng 40% sử dụng mạng 2G với nhu cầu chủ yếu là thoại và nhắn tin. Số người sử dụng 3G, 4G không phải là tất cả", ông Long nói.
Về giá cước dịch vụ mới, các nhà mạng đều cho biết còn đang tính toán song do chỉ khác biệt về tốc độ đường truyền, mức cước dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi. Theo đại diện Viettel, khi triển khai 4G, đơn vị này sẽ tập trung vào những dịch vụ data có tính sáng tạo cao. Trong khi đó, VNPT Net cho biết đang dự kiến một số dịch vụ mới như thoại chất lượng cao, truyền hình hội nghị HD, quảng bá…
Đánh giá về kế hoạch triển khai 4G, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, đến giờ cơ quan quản lý mới xem xét việc cấp phép triển khai 4G là chậm so với quốc gia khác.
“Lẽ ra việc cấp phép phải được thực hiện sớm hơn để họ có thời gian chuẩn bị. Hiện nay mạng 3G rất chậm. Nếu doanh nghiệp tự chủ đáp ứng được tiêu chuẩn thì cứ cấp phép cho họ triển khai. Cơ quan quản lý nhà nước nên trung lập, không nên can thiệp vào công nghệ. Nếu không thì Việt Nam cứ đi chạy theo sau các nước khác trên thế giới”, ông Trực cho hay.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, mạng 3G hiện nay có chất lượng không tốt, việc triển khai thực tế chưa thành công, ông Nguyễn Nam Long thừa nhận "đâu đó" đúng là có hiện tượng này. "Ví dụ đó là các khu vực tầng hầm trong các tòa nhà cao tầng thì đúng là việc phủ sóng rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tế là có những thời điểm, kể cả người tiêu dùng vào mạng cố định tại gia đình cũng khó vào, không riêng internet 3G”, vị này nói.
Trong khi đó, ông Hồ Trí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viettel cũng nhìn nhận dù đầu tư tốt vào 3G nhưng kết quả thực tế chưa thực sự thành công. Hiện tỷ lệ sử dụng 3G của nhà mạng này đạt khoảng 30% tổng thuê bao, trong khi đó mức trung bình của châu Á là 45%. "Nguyên nhân chính là chúng tôi chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp dịch vụ 3G, vẫn dùng phương pháp cũ như khi làm 2G", vị này nói.
Trước đó, báo cáo do hãng Ericsson công bố giữa năm cho thấy Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về tốc độ phát triển thuê bao (với hơn 2 triệu thuê bao mới trong quý I/2015), nhưng lại thua xa các nước trong khu vực về tốc độ đường truyền trung bình.
Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á và châu Đại Dương trong diện khảo sát, Việt Nam là nước có tốc độ truyền dữ liệu kém nhất với 160 kilobits trên giây (kbps). Con số này chưa bằng số lẻ của các nước đang dẫn đầu là Singapore (21.870 kbps) hay Australia (11.190 kbps). Ngay cả nước xếp thứ 8 trong khu vực và chỉ trên Việt Nam một bậc là Myanmar cũng có tốc độ truyền dữ liệu cao gấp 5 lần. Nếu so sánh với các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á, tốc độ dữ liệu mạng di động của Việt Nam cũng kém xa. Ví dụ Hàn Quốc hiện đạt tốc độ gần 10.000 kbps, Nhật bản gần 5.000 kbps...
Ngọc Tuyên