Những cảnh báo do nhà lập pháp, bác sĩ Thái Vệ Bình, chuyên gia về lây truyền HIV tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Quảng Châu, đưa ra hồi năm ngoái đã được chứng minh bằng những gì mà tỉnh Hồ Bắc đang trải qua, nơi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và lan ra hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bác sĩ Thái kêu gọi sửa đổi các luật về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc nhằm thắt chặt hơn những quy định kiểm dịch, cách ly, đảm bảo tính minh bạch và nêu rõ hơn những gì chính quyền địa phương nên thực hiện khi dịch bệnh diễn ra. Theo ông, luật mới cũng nên buộc chính quyền địa phương thuê thêm nhân viên y tế và thiết lập các quỹ dự phòng khẩn cấp.
"Năng lực của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo nguồn tài chính để đối phó với dịch bệnh nghiêm trọng hiện không đủ", ông nhấn mạnh.
Đầu tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận Covid-19 là một "bài kiểm tra đối với hệ thống quản lý" và đất nước cần "khắc phục những điểm yếu và hạn chế đã bị phơi bày sau dịch bệnh".
Nhưng tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán đến nay là bên chịu nhiều chỉ trích từ công chúng nhất vì cách phản ứng ban đầu của họ với Covid-19.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng đã chỉ ra những thất bại mang tính hệ thống ở Trung Quốc, khi mà chính quyền địa phương không đủ nguồn lực cũng như thẩm quyền chính trị để đối phó với dịch bệnh. Hồ Bắc đang phải gánh khoản nợ lên tới 2.000 tỷ Nhân dân tệ (288 tỷ USD) trước dịch bệnh và đã cắt giảm gần 2% chi phí chăm sóc sức khỏe vào năm ngoái.
Theo bác sĩ Thái, những trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở địa phương Trung Quốc lâu nay vẫn "đói" nguồn vốn và nhân lực. "Tại một số tỉnh, các ban kiểm soát dịch bệnh đã bị cắt nhân sự và đảm bảo về tài chính, thậm chí bị sáp nhập vào những ban khác", ông nói.
Bên cạnh đó, sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với các chính quyền địa phương cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, chuyên gia nhận định.
"Đối với hầu hết các quan chức Trung Quốc ở mọi cấp, họ luôn quan tâm tới ý kiến của cấp trên hơn là phúc lợi của người dân bình thường", Victor Shih, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trường Chiến lược và Chính sách Toàn cầu thuộc Đại học California ở San Diego, bình luận.
Tình hình tài chính của tỉnh Hồ Bắc yếu hơn so với mức trung bình cả nước. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng doanh thu 10 tháng đầu năm 2019 của Hồ Bắc đạt 42,55 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm trước đó, với 35,43 tỷ USD thu được từ bán đất. Nhưng họ đang mang nhiệm vụ làm sạch sông Dương Tử và tài trợ cho Thế vận hội Quân sự Quốc tế vào tháng 10, đòi hỏi vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ước tính 28,8 tỷ USD.
Dù tổng chi tiêu tăng 7% lên 87,79 tỷ USD, chi phí chăm sóc sức khỏe của Hồ Bắc lại giảm 1,7% xuống còn 7,66 tỷ USD.
Tổng nợ của Hồ Bắc hiện là 288 tỷ USD, tương đương gần 4.900 USD/người, trên mức trung bình cả nước là gần 3.900 USD.
Căng thẳng tài chính của Hồ Bắc đã được thể hiện rõ khi dịch mới bùng phát. Người dân cho biết các bệnh viện của Vũ Hán không có đủ trang thiết bị để tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn như vậy.
"Nói chung, Hồ Bắc là một trong những tỉnh nợ nhiều nhất của Trung Quốc so với GDP và thu nhập tài chính", Shih từ Đại học California ở San Diego nhận xét. "Chính quyền địa phương không có quyền chi tiêu tùy ý và dịch bệnh xảy ra chỉ càng khiến họ tiêu tốn thêm nhiều tiền hơn".
Chính quyền Trung Quốc đã phân bổ hơn 14,4 tỷ USD vào các quỹ bổ sung nhằm đối phó với Covid-19, đồng thời hứa sẽ trả 60% chi phí y tế cho bệnh nhân. Nhưng tài chính không phải vấn đề duy nhất, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của dịch bệnh.
"Lạc quan thái quá dẫn tới các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo", bác sĩ Thái cho hay. "Kiểm soát nguồn lây nhiễm ngay từ đầu là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh nhưng nó đã không được thực hiện tốt".
Theo bác sĩ Thái, quyền biết thông tin về những gì đang diễn ra của người dân nên được thêm vào các điều luật trong tương lai, đồng thời chính quyền địa phương nên có quyền đưa ra cảnh báo về dịch bệnh và hành động.
Tính minh bạch luôn là một vấn đề lớn ở Trung Quốc. Các bác sĩ đầu tiên phát hiện ra nCoV đã bị khiển trách và yêu cầu ngừng lan truyền tin đồn. Một trong số đó, bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì nhiễm bệnh.
Giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những chỉ trích nhằm vào các quan chức địa phương, song không phải chính quyền trung ương hay Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều quan chức tỉnh đã bị sa thải và người dân được khuyến khích báo cáo những quan chức lơ là nhiệm vụ.
Nhưng theo Tằng Quang, trưởng khoa dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), các quan chức địa phương phải xử lý nhiều thứ hơn là chỉ tập trung vào nhiệm vụ ngăn virus lây lan. "Họ phải cân nhắc vấn đề chính trị, họ phải cân nhắc vấn đề ổn định xã hội, họ phải cân nhắc vấn đề kinh tế", ông tháng trước nói với báo Global Times.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)