Trên Euractiv, giáo sư tại Đại học Harvard này khẳng định Brussels đã "đi quá xa trong việc tập trung quyền lực". Vì vậy, "nếu từ bỏ xu hướng này, EU mới có thể tồn tại và thịnh vượng". Còn nếu không, họ sẽ thất bại.
Hart lý giải các quốc gia thành viên EU "không đủ độ tương đồng" để được coi là một thực thể. Vì vậy, việc cố gắn họ vào làm một là "sai lầm". Ông cho rằng EU nên giải quyết lo ngại của các nước về quá trình quyết định và sự tập trung quyền lực bằng cách trả một phần quyền kiểm soát về cho họ.
EU chỉ nên giữ lại quyền ở "một số lĩnh vực quan trọng", như tự do thương mại và luân chuyển nhân sự. Riêng về vấn đề lao động, Hart cho biết đây là ý tưởng ông rất thích, dù hiểu rằng nó sẽ gặp nhiều thách thức chính trị.
Bengt Holmstrom - một nhà kinh tế khác cũng cho rằng EU cần "tái định nghĩa quyền ưu tiên, hạn chế các hoạt động và quy định, để tập trung làm những việc cần thiết". Ông nhấn mạnh EU cần "làm gì đó" để hệ thống quản trị và các quy định hiện tại "rõ ràng và đơn giản hơn". Hart và Holmstrom là hai nhà khoa học đã giành giải Nobel Kinh tế năm nay với nghiên cứu về lý thuyết hợp đồng.
Hart cũng cho rằng "đồng euro là một sai lầm". Đây là quan điểm ông vẫn giữ từ khi khu vực đồng tiền chung mới thành lập. Ông khẳng định "Mọi chuyện sẽ không tồi tệ" nếu châu Âu từ bỏ đồng tiền chung và nhận xét người Anh đã "rất khôn ngoan" khi đứng ngoài cuộc.
Khu vực châu Âu gần đây chịu rất nhiều biến động, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa thực sự chấm dứt. Tương lai của Hy Lạp vẫn rất u ám sau vụ vỡ nợ năm ngoái, dù đã nhận gói cứu trợ thứ 3. Hồi tháng 6, người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu EU. Và vài tuần trước, người Italy cũng bác bỏ các cải cách hiến pháp của Thủ tướng Matteo Renzi, khiến ông phải tuyên bố từ chức.
Hà Thu (theo RT)