Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 22/4/2020, 16:00 (GMT+7)

Nhà khung gỗ vách đất chỉ 30 triệu đồng

Lâm ĐồngBỏ thành phố về vườn rừng ở Đà Lạt, vợ chồng anh Lê Kiệt tự xây một ngôi nhà khung gỗ vách đất với chi phí 30 triệu đồng.

Sau nhiều năm lăn lộn ở TP HCM, vợ chồng anh Lê Kiệt (quê Bình Dương) mua một mảnh vườn rộng 1,3 hécta tại Đà Lạt và chuyển hẳn về đó. Trên mảnh đất này, họ tự xây căn nhà khung gỗ vách đất hai tầng diện tích 25 m2 dù chưa hề có kinh nghiệm.

"Mình chỉ biết phải ở một thời gian để quan sát nắng gió, hướng mưa và khí hậu cực đoan. Thêm nữa là dẫn theo con cún, nó nằm ngủ ở đâu thì đặt móng nhà ở đấy”, anh Kiệt chia sẻ.

Ngày 26/4/2019, cũng là ngày sinh nhật của anh Kiệt, đôi vợ chồng cùng vài người em bắt đầu làm móng nhà, mất một tuần mới xong cái móng 6 x 4 m. "Mùa mưa cuốc cục đất nó kêu cái 'phẹt', cứ cuốc ba bốn lần là cây cuốc nặng lên năm ký, cực dã man luôn", anh Kiệt nhớ lại.

Xong móng tới phần dựng khung gỗ, trong đó mất công nhất là phần di chuyển nguyên vật liệu. Họ phải bê gỗ ở vựa ve chai từ xe chở sang máy cày để đưa về vườn. Tới vườn, họ lại bê số gỗ xuống, tự kéo vào điểm xây nhà vì đường nhỏ, không đủ chỗ cho máy cày. "Vợ mình nhỏ xíu nhưng cũng tham gia kéo cật lực, mồ hôi ướt hết cả bộ đồ", anh Kiệt kể.

Mất năm ngày, gia đình anh Kiệt dựng xong phần khung, "mừng hí hửng". Công đoạn tiếp theo là đi chặt tre, tách tre để đan làm vách đất. 

Thi công chỉ với cưa tay và máy khoan pin, thời gian làm nhà kéo dài tận năm tháng. Suốt thời gian đó, họ sống tạm trong căn chòi tôn được cho mượn, "trưa nóng đổ lửa, tối lạnh thấu gan". Họ cũng phải làm vườn và thu hoạch nông sản để bán lấy tiền ăn uống. ​​​​​

"Lúc đấy tụi mình sống như người rừng, không điện, nước lúc có lúc không, không bếp núc, không nhà vệ sinh", gia chủ kể. Những ngày mưa, họ dựng lều trong chòi vì mưa tạt tứ phía, ướt và mốc hết mọi thứ đồ đạc

Sau năm tháng, căn nhà hai tầng cao 4 m hoàn thành. Mặt tiền hướng Đông Nam, nhìn ra khu vườn của gia đình và quả đồi xanh mướt. Trước nhà, gia chủ làm thêm sàn gỗ để có chỗ đi lại và mắc võng ngủ.

Nhà nhỏ nên phòng khách cũng bé xíu, đủ cho sáu người ăn cơm. Phía cửa, anh Kiệt đặt thêm tấm kính to để lấy sáng.

Kế đến là căn bếp mà anh Kiệt gọi là "linh hồn của căn nhà". Bếp đất sét ba ngăn không khói, cao 85 cm, dài 130 cm, rộng 60 cm được chính gia chủ đắp. Để có mẫu bếp ưng ý như hiện tại, anh Kiệt đã dành ba năm mày mò và thử hàng chục lần.

"Nấu bếp này ăn rất ngon, mình cũng có thể tự tạo ra chất đốt tại chỗ nên giảm chi phí và bảo vệ môi trường", anh nói. Bên cạnh đó, giữa cái lạnh buổi tối của Đà Lạt, ai cũng thích đứng trong góc bếp ấm áp.

Trong bếp, những khoảng không trên cao được tận dụng để đựng đồ dùng nấu nướng. Vách đất phía bắc làm kín vì gió bắc ở đây rất mạnh và độc, mưa tạt dữ dội nhất.

Căn bếp làm từ đất sét
 
 

Anh Lê Kiệt nấu nướng trong bếp. 

Vách phía nam có gió lành và nhẹ, ít mưa tạt hơn nên gia chủ làm bằng bìa thông, đặt thêm cửa sổ. Ngoài nhà, chuồng chó cũng làm từ đất sét. 

Ở tầng trệt, anh Kiệt bố trí chỗ ngủ cho những người em phụ giúp việc vườn. Trên gác là phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà. Qua ô cửa lớn, họ thỏa sức ngắm trời sao lúc buổi đêm và đón bình minh buổi sáng.

Bên hông nhà là hồ nước nhỏ dẫn từ suối về để rửa chén giặt đồ. Nước thải sinh hoạt được dẫn vào ao với cây chuối, cỏ rễ sâu, bầu mướp và su su xung quanh. Nước thải không sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa nên không có mùi hôi và ứ đọng nước.

Trong vườn, anh Kiệt trồng nhiều loại cây, rau như bơ, bắp cải, xà lách...,  vừa để tự cung tự cấp vừa để bán tạo thu nhập.

Tổng chi phí nguyên vật liệu xây nhà của anh Kiệt chỉ hết 30 triệu đồng. Vì xin và mua lại nhiều đồ cũ, vợ anh Kiệt đùa rằng "đây là nhà đồng nát". 

Trong căn nhà "nhỏ xíu và bừa bộn", hai vợ chồng tận hưởng cuộc sống thuận tự nhiên. Quãng thời gian làm nhà vất vả đến mức ám ảnh song giờ đây nghĩ lại, anh Kiệt không thấy nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần nữa. "Cùng trải qua nghịch cảnh, tụi mình mới học được cách yêu thương nhau thực sự", anh trải lòng.

Bài: Minh Trang

Ảnh: Nhân vật cung cấp