Giáo sư Nguyễn Sơn Bình (48 tuổi) đang giảng dạy tại khoa Hóa, Đại học Northwestern, Mỹ. Lĩnh vực ông tập trung nghiên cứu là thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Ông nói không thích chụp ảnh hay đi chơi bởi không muốn lãng phí thời gian. Hơn 20 năm qua để thư giãn, ông chọn cách đi bộ hoặc đạp xe và đôi lúc gặp gỡ bạn.
Là một trong 4 nhà khoa học Việt ảnh hưởng nhất thế giới do hãng Thomson Reuters công bố, giáo sư Nguyễn Sơn Bình khiêm tốn cho rằng đó là may mắn. "Trường tôi còn 11 người nữa đạt danh hiệu này. Ngoài ra còn rất nhiều nhà khoa học khác xứng đáng hơn", ông nói.
Sinh ra ở TP HCM trong gia đình khó khăn có 5 anh chị em. Sau năm 1975, ông và người em trai kém 2 tuổi được bố mẹ gửi sang Mỹ ở cùng dì với hy vọng sẽ làm được điều gì đó để giúp đỡ gia đình.
Giáo sư Nguyễn Sơn Bình. Ảnh: northwestern.edu |
Tuy nhiên, bà dì cũng chỉ giúp hai anh em chỗ ở. Để có tiền đi học, ông làm đủ nghề kể kiếm sống. Là anh, ông tự cho mình cái quyền "làm gương cho em học tập", nên không cho phép bản thân thất bại mà phải thành công bằng mọi giá.
Mới sang Mỹ khó khăn nhất là ông không biết tiếng, dù hồi đó ông có học và còn được mẹ dạy thêm tiếng Anh, nhưng cũng chỉ biết sơ qua về đọc, dịch và viết. "Việc đầu tiên để sống và vươn lên nơi đất khách quê người là phải biết nghe - nói tiếng Mỹ", giáo sư Bình nói và cho biết người Mỹ rất kiên nhẫn để giúp đỡ người khác, nhưng nếu không thấy tiến bộ họ sẽ từ bỏ. "Chí hướng, sự kiên nhẫn và trách nhiệm đã giúp tôi sống được ở Mỹ", ông nói.
Gần 6 năm ở Mỹ, để có tiền trang trải học hành, lúc rảnh rỗi ông thường kiếm việc làm thêm, có nhiều ngày ông làm ba ca từ 7h sáng đến 15h chiều, 15h đến 6h sáng hôm sau và từ 6h đến 23h đêm với các công việc như rửa chén, bồi bàn. "Không chỉ cần tiền cho việc học, lúc đó trong tôi vẫn đau đáu tìm cách bảo lãnh cho cả gia đình từ Việt Nam sang Mỹ, nên tôi làm việc không mệt mỏi và sau 6 năm gia đình tôi được đoàn tụ", giáo sư Bình cho biết.
Cuộc sống tự lực cánh sinh đã giúp ông ngày càng khẳng định được bản thân, và thực hiện được ước mơ trở thành giáo sư tại trường đại học có tiếng ở Mỹ. Quãng thời gian vất vả qua đi, ông thần tượng nhất là Michael Faraday - người phát minh dòng điện xoay chiều. Điều ông phục nhất ở Faraday là khả năng vươn lên trong khó khăn, từ người không có bằng cấp trở thành vị giáo sư nổi tiếng thế giới.
Mỗi lần gặp phải sai lầm, ông luôn tự kiểm điểm bản thân. Lúc nào ông cũng đặt câu hỏi: "Ngày nay mình đã làm được gì, ngày mai mình có thể làm những điều tốt hơn không?".
Hơn 30 năm ở Mỹ, giáo sư Nguyễn Sơn Bình từng nghĩ đến việc quay lại Việt Nam giảng dạy, nhưng câu hỏi ông luôn trăn trở là "Về Việt Nam mình có thể làm được gì cho quê hương ngoài việc giảng dạy".
"Khả năng nói tiếng Việt của tôi rất kém sẽ là rào cản khi giao tiếp với sinh viên, dẫn đến khả năng truyền đạt kiến thức tới các em không tốt. Khoa học vốn dĩ toàn thứ cao siêu cần phải tìm trong đó thứ gần gũi nhất để truyền tải, có vậy sinh viên mới hiểu được", giáo sư Bình nói và cho rằng người thầy cũng như cha mẹ, phải lo cho con cái suốt đời. Thầy giáo không chỉ dìu dắt học sinh lúc ở trường mà còn cả thời gian sau đó nữa cho đến khi họ thật sự trưởng thành.
Giáo sư Bình vẫn thường về Việt Nam với tư cách là giáo sư được cử về để phỏng vấn sinh viên trong chương trình của Quỹ VEF - chương trình học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chương trình sau đại học tại gần 100 trường uy tín ở Mỹ. Ông cho rằng, ở nước ngoài vẫn có thể giúp sinh viên Việt Nam khi sang đây học tập.
Nói về yếu tố giúp ông thành công, giáo sư Bình nói: "Đó là sự bền bỉ bởi cuộc sống có rất nhiều thất vọng, sau đó là đam mê tận tụy nghiên cứu và cuối cùng là biết cách truyền đạt lại cho sinh viên thật tốt".
Đam mê nghiên cứu, hết lòng với sinh viên lại khiến ông không muốn dành thời gian cho việc lập gia đình. "Bản thân không thể làm tốt hai việc cùng một lúc nên có gia đình thì mọi thứ sẽ phải san sẻ và tôi không thể làm tốt việc giảng dạy nghiên cứu", giáo sư Bình thẳng thắn.
"Có lẽ con người tôi ích kỷ nên mới như vậy. Tôi sống độc thân quen rồi, lập gia đình có khi lại thấy những người đó thật phiền phức và làm tổn thương họ thì sao. Tôi không đủ can đảm để lấy vợ", vị giáo sư vui tính nói và cho biết cũng may anh chị có rất nhiều cháu, nên bố mẹ ông không bận tâm đến quyết định của con trai.
Phạm Hương