Ngày 21/7, tiến sĩ Nguyễn Tác An - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - cho biết, ông không tham gia quá trình đánh giá, thẩm định dự án nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Tuy nhiên, mấy hôm trước, ông bất ngờ khi biết mình là một trong 14 nhà khoa học tham gia dự án này. "Tôi chưa lần nào làm việc với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn về việc nhận chìm bùn xuống biển Vĩnh Tân. Suốt 50 năm làm khoa học, đây là đầu tiên tôi bị lôi tên vào một dự án mà mình không hay biết", Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam nói.
Nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đặt hoài nghi "động cơ của đơn vị tư vấn" khi đưa tên ông vào danh sách. "Đấy khác gì sản phẩm của sự nguỵ tạo, dối trá và không kém phần ấu trĩ. Nếu không làm rõ sẽ tạo tiền lệ xấu đối với hoạt động khoa học tại Việt Nam", ông An bức xúc.
Theo ông An, hôm qua có người xưng là người của công ty tư vấn gọi điện xin lỗi vì những sai sót khi tự ý đề tên ông trong danh sách các nhà khoa học. "Tôi nói với họ phải trả lời trực tiếp, rõ ràng chứ không thể qua gọi điện thoại", Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho biết.
Về việc xử lý bị mạo danh nhà khoa học, ông An bảo đang chờ cơ quan có thẩm quyền làm rõ. "Về nguyên tắc, hồ sơ đã làm giả thì phải hủy. Còn giấy phép đã cấp căn cứ theo hồ sơ giả đó thì cũng phải bị thu hồi", tiến sĩ An nói.
Ngoài ông An, thạc sĩ Lê Thị Vân Linh (Viện kỹ thuật biển) và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) cũng đã lên tiếng việc không tham gia thẩm định dự án nhận chìm gần triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận, nhưng bị đưa tên vào danh sách các nhà khoa học.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Ngọc Cẩm Thành - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - cho biết việc mời các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực tham gia vào đánh giá, thẩm định các tác động của dự án đều do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam thực hiện.
Theo ông Thành, trong giai đoạn bắt đầu thực hiện, đơn vị tư vấn có mời tiến sĩ An. Tuy nhiên trong quá trình tham gia do ông tuổi cao, lại ở xa nên họ không mời nữa. "Để hoàn thiện hồ sơ, đơn vị tư vấn phải làm rất nhiều lần. Trong danh sách các nhà khoa học tham gia dự án của hồ sơ cuối cùng trình lên Bộ Tài nguyên Môi trường không có tên của tiến sĩ An", ông Thành nói.
Về một số nhà khoa học khác cũng phản ứng bị đưa tên vào danh sách, ông Thành cho biết chưa nắm, sẽ làm việc lại với công ty tư vấn. "Danh sách các nhà khoa học cuối cùng trình lên Bộ Tài nguyên để xin phép nhấn chìm vật chất nạo vét xuống biển đều được đơn vị tư vấn thông qua hết", ông khẳng định.
Còn tiến độ dự án, ông Thành cho biết công ty đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên.
Trước đó, Bộ Tài nguyên cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ An, lo ngại có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu việc nhận chìm được triển khai.
Phước Tuấn - Xuân Ngọc