Miếng vá mạch máu được sử dụng nhiều trong phẫu thuật tim mạch. Ở Việt Nam, sản phẩm này hiện được nhập khẩu, mỗi miếng vá mạch máu kích thước 2x4 cm, người bệnh phải chi trả gần 7 triệu đồng.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng lớn ở trong nước, từ năm 2013, ThS Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (32 tuổi) và nhóm nghiên cứu Phòng Thí nghiệm kỹ nghệ mô và Vật liệu y sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM tận dụng màng tim lợn làm nguyên liệu chế tạo miếng vá mạch máu.
ThS Mỹ cho biết, vật liệu này dễ tìm, có độ mỏng thích hợp (0,1-0,3 mm), độ co giãn, chịu nén tốt nên dễ tạo hình. Đặc biệt, chất collagen, elastin trong màng tim lợn (cũng là những thành phần có nhiều trong cơ thể con người) tạo điều kiện cơ sở cho quá trình lành và tái tạo vết thương.
Màng tim được thu thập từ công ty sản xuất thịt có nguồn gốc rõ ràng, được nhóm làm sạch và xử lý để tẩy toàn bộ tế bào trong màng tim. Trước đó, nhóm đã sàng lọc một số chất, cũng như mức nồng độ và thời gian tiếp xúc có thể tẩy sạch yếu tố gây đáp ứng thải loại này.
ThS Mỹ cho biết, việc tìm ra nồng độ và thời gian tiếp xúc hợp chất tẩy là phần quan trọng nhất. Trải qua các bước thử nghiệm, nhóm tìm ra mức hóa chất với nồng độ chỉ khoảng 0,1% vừa có thể loại bỏ hoàn toàn các tế bào kháng nguyên dị biệt mà vẫn giữ được thành phần sợi collagen để đảm bảo độ bền chắc trên miếng vá.
Sau khi rửa bỏ các chất dư thừa trong lớp màng để tránh gây độc, nhóm nghiên cứu thực hiện khử trùng bằng tia gamma, sau đó đưa vào môi trường kiểm tra sự hiện diện cỉa vi khuẩn. Sau 7 ngày, nhóm nghiên cứu nhận thấy không xuất hiện vi khuẩn trên bề mặt lớp màng, đạt yêu cầu về độ vô trùng. Miếng vá mạch máu đã được chứng minh các đặc tính an toàn trên các dòng tế bào người và chuột thí nghiệm, cũng như có độ bền chắc và co giãn tương đương với mạch máu tự nhiên. Miếng vá còn thể hiện khả năng tương tác tốt với các tế bào mạch máu và kháng đông máu khi tiếp xúc trực tiếp.
Theo PGS.TS Trần Lê Bảo Hà, Trưởng Phòng thí nghiệm kỹ nghệ mô và Vật liệu y sinh, sản phẩm hiện đã được đánh giá trên tế bào người và động vật thí nghiệm, tuy nhiên, "mục tiêu cuối cùng là ứng dụng miếng vá mạch máu vào lâm sàng, để người dân được hưởng lợi từ các nghiên cứu khoa học", PGS Hà nói. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự định hợp tác với một số bệnh viện và tiếp cận các mô hình sản xuất thực tế, từng bước đưa sản phẩm vào lâm sàng.
Ngoài màng tim lợn, ThS Mỹ và cộng sự cũng đang phát triển thêm miếng vá từ màng tim bò khi tìm thấy một số ưu điểm tiềm năng từ vật liệu này. "Nhóm mong muốn có thể tạo ra một sản phẩm trong nước hiệu quả ngang, hoặc hơn ngoại nhập giúp người bệnh giảm chi phí và liệu pháp điều trị", ThS Mỹ nói.