Một nhà khoa học Italy đưa ra dự án khuyến khích ăn thịt sứa, ngăn loài vật này sinh sôi quá mức gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như các hoạt động của con người, Mirror hôm 28/9 đưa tin.
Sứa có nhiều hình thức sinh sản. Chúng có thể chia tách các phần cơ thể để tạo thành con non mới hoặc sinh sản hữu tính bằng cách đẻ trứng rồi thụ tinh bên ngoài. Chúng có thể đẻ tới 45.000 quả trứng một ngày.
Biến đổi khí hậu khiến nước biển ấm lâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi để sứa sinh sôi nhanh chóng. Những năm gần đây, số lượng sứa bùng nổ vượt ngoài tầm kiểm soát. Năm 2015, kênh đào Suez được mở rộng, trở thành "đường cao tốc" cho loài vật này xâm lấn Địa Trung Hải.
Một nhà máy điện Nhật Bản từng thử giết bớt sứa bằng máy nghiền, nhưng lại vô tình giúp chúng sinh sôi mạnh mẽ hơn, theo New York Times. Năm 2013, sự bùng nổ số lượng sứa đã buộc một nhà máy điện hạt nhân Thụy Điển phải đóng cửa. Sứa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi cá hồi ở biển Ireland.
Ủy ban châu Âu cho rằng sự bùng nổ của sứa cùng ô nhiễm biển gây ra nhiều vấn đề lớn và ngày càng trầm trọng. Tổ chức này cũng tài trợ cho các nhà nghiên cứu đưa ra những biện pháp đột phá để giải quyết tình trạng trên.
Stefano Piraino, giáo sư ngành động vật học tại Đại học Salento, cùng các đồng nghiệp đề xuất dự án Go Jelly nhằm khuyến khích mọi người ăn thịt sứa. Trước đó, ông từng thực hiện một số nghiên cứu về sứa và mở chiến dịch bảo vệ các bãi biển khỏi những loài sứa độc bằng lưới.
Sứa có thể giúp phát hiện các khối u gây ung thư, Piraino cho biết. Chúng cũng chứa nhiều collagen và có thể giúp làm đẹp môi. Ngoài ra, các món ăn từ sứa còn rất giàu protein và ít cholesterol.
Piraino và nhóm dự án tin rằng, biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt cá quá mức sẽ khiến người Italy dần làm quen với việc ăn sứa. Ở một số nước như Nhật Bản hay Trung Quốc, những món ăn từ sứa từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân.
Thu Thảo