Trở về, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt đã gửi đề xuất này lên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng hội Địa chất, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhưng đến nay, ông chưa nhận được hồi âm.
GS Phan Trường Thị có hơn 60 năm nghiên cứu về địa chất, khoáng sản. Ông cho biết, dựa trên Bản đồ địa chất, Việt Nam có hai mảng kiến tạo biệt lập gồm địa khối Indosini (gồm móng kết tinh và lớp phủ trầm tích nằm ngang Mesozoi -J-K) và trầm tích biển rìa lục địa. Lớp phủ trầm tích J-K trải rộng trên lãnh thổ các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đắc Nông, Biên Hòa và còn gặp ở Lào, Campuchia và Thái Lan. Mảng trầm tích kiểu "biển rìa lục địa" chiếm trọn vẹn lãnh thổ miền Bắc của Việt Nam, từ Huế cho đến Vịnh Hạ Long, vùng núi Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn. "Từ mô hình kiến tạo này, có đầy đủ cơ sở khoa học để phát hiện những mỏ kim cương quy mô lớn trên lãnh thổ Việt Nam", GS Thị nói.
Ngoài ra, dựa trên bản đồ từ tính tỉ lệ 1/1.000.000 của Việt Nam được thực hiện từ năm 1990 cũng cho thấy những điểm dị thường. Theo GS Thị "Đá có chứa càng nhiều kim cương thì từ tính càng cao". Khi nhìn vào bản đồ từ tính, những vòng tròn màu đỏ là các điểm có từ tính cao, khả năng có trữ lượng kim cương lớn. Thực tế, mỏ sắt có trữ lượng 5 tỉ tấn ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) được phát hiện nhờ phương pháp bay đo hàng không để dò các điểm từ tính cao. Ở các quốc gia có sản lượng khai thác kim cương lớn, phương pháp bay đo hàng không cũng được áp dụng.
Dựa trên bản đồ từ tính, ông Thị đề xuất sử dụng phương pháp trọng sa (đãi cát) để tìm kim cương dựa trên nguyên lý theo thời gian, các loại đá trên bề mặt Trái Đất sẽ bị mòn dần, dẫn đến tan rã. Những thành phần cứng như kim cương sẽ còn sót lại, chúng rơi dọc các dòng suối, con sông lớn. Vùng dễ tìm thấy kim cương nhất là những dải cát ở các triền suối. "Người ta sử dụng phương pháp đãi cát để tìm ra những viên đá quý này. Phương pháp này không cần đầu tư lớn. Trước hết phải tiến hành ở cấp độ bản đồ tỉ lệ 1/50.000 với mạng lưới 50x50 m, khoảng cách lấy mẫu 50 m theo từng tuyến để tìm ra vị trí có nhiều kim cương nhất", GS Thị nói. Trên thế giới, trữ lượng kim cương được tìm thấy và khai thác hiện cũng tập trung ở các vùng có các khối nền cổ Nam Phi, Bắc Mỹ, Siberi (Nga), Botswana (Nam Phi, châu Úc... Người ta sử dụng bản đồ từ tính để khoanh vùng điểm có trữ lượng kim cương lớn. Từ những điểm dị thường trong bản đồ từ tính, có thể tiếp cận được các mỏ kim cương với trữ lượng nhiều ít khác nhau.
Nhà khoa học này cũng đề xuất, dùng máy đo từ tính cũng có thể phát hiện ra các ống nổ kim cương (được hình thành do khối đá chứa kim cương trong lòng đất phát nổ). Theo thời gian, khối đá này dịch chuyển dần về bề mặt của Trái Đất. Đến một độ sâu nào đó, khi áp suất hạ, khối đá này sẽ nổ, tạo ra một cái hố hình chiếc phễu. Ống nổ này thường có đường kính 1,5 đến 3 km, sâu 2 km, bên dưới chứa nhiều kim cương, đá quý. "Khi sử dụng máy đo từ tính, người ta sẽ phát hiện ra các vòng tròn xung quanh trữ lượng đá này, từ đó phát hiện ra phễu", ông nói.
Mỏ kim cương - câu hỏi còn bỏ ngỏ
Về tiềm năng khoáng sản kim cương, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học - Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Để xác định trữ lượng kim cương, phải đi tìm nguồn gốc của nó. "Tức là tìm tiền đề, dấu hiệu của kim cương, mà những yếu tố này hiện ở Việt Nam chưa ai tìm ra", ông Văn nói với VnExpress và cho biết, kim cương liên quan đến thể đá Kimberlite, là những thể đá nguồn gốc macma từ rất sâu, hàng trăm km dưới lòng đất phun lên mang theo kim cương. "Ở Việt Nam, chưa phát hiện ra dấu vết rõ ràng của các thể đá này".
Theo ông Văn, khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Viện Khoa học - Địa chất và Khoáng sản có thực hiện đề tài nghiên cứu về khả năng tìm thấy kim cương ở Việt Nam nhưng kết quả không khả quan. Từ đó có thể nhận định Việt Nam khó có thể có kim cương, dù vẫn còn những ý kiến có thể có. "Nhưng theo tôi, nếu có thì triển vọng cũng thấp", PGS.TS Trần Tân Văn nói và cho rằng ngay cả việc sử dụng bản đồ từ tính để xác định trữ lượng kim cương cũng chưa đủ. Lý do, bản đồ từ tính dùng để phát hiện ra các thể đá có chứa nhiều sắt, ví dụ như đá Kimberlite có nhiều sắt, có từ tính. Nhưng nhiều thứ khác cũng có từ tính cao như các mỏ sắt... máy đo từ tính không phân biệt được.
"Việc phát hiện ra kim cương theo đề xuất của GS.TSKH Phan Trường Thị là đúng về lý thuyết chung, ít mang tính thực tiễn. Hiện năm nào Viện cũng phải thực hiện điều tra đo vẽ bản đồ địa chất cơ bản, trong quá trình đó mà phát hiện ra các dấu hiệu có kim cương thì mới làm tiếp, nếu không thì rất khó", ông Văn nói.
Ông Nguyễn Đắc Đồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Địa chất cho biết, Tổng hội có nhận được đề xuất GS Thị gửi nhưng Hội không có chức năng phản hồi. "Trong Đề án cũng không có yêu cầu Tổng hội phải hỗ trợ gì, mà chỉ đơn giản là một đề xuất", ông Đồng nói.
Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất cũng thừa nhận Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã từng thực hiện dự án điều tra kim cương ở Tây Nguyên, nhưng cho đến nay, chưa tìm thấy gì, dù các dấu hiệu và tiền đề để nghiên cứu là có.