Nghiên cứu của Đại học Tây Australia xác định điểm va chạm và chuyển động của mảnh vỡ máy bay dựa trên dữ liệu về khí tượng học và dòng hải lưu cùng phân tích về những tín hiệu "ping" của công ty Inmarsat.
Giáo sư Charitha Pattiaratchi, đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết các mảnh vỡ bị dồn vào những xoáy nước và sẽ tập trung vào một khu vực. "Họ có thể tìm thấy chúng, đó có thể là những mảnh cánh", Daily Telegraph dẫn lời ông nói.
"Những phát hiện hoàn toàn trùng khớp. Mảnh vỡ bị kẹt trong khu vực đó, cách điểm có thể rơi khoảng 400 km. Tùy vào thời tiết, chúng tôi biết mảnh vỡ sẽ đi tới đâu cho tới cuối tháng này", vị giáo sư thuộc viện hải dương của trường đại học nói thêm.
Ông cũng cho biết việc không tìm thấy những vật thể nổi từ bên trong máy bay nghĩa là cabin có thể vẫn còn nguyên khi chìm xuống biển. Điều này sẽ làm tăng khả năng hộp đen vẫn tồn tại mà không bị phá hủy nghiêm trọng.
"Tôi nghĩ rằng theo cách máy bay rơi, rất nhiều thứ sẽ không bị ảnh hưởng trong máy bay", giáo sư Pattiaratchi cho biết. "Nếu máy bay vỡ tan, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều mảnh trôi nổi. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những vật thể nhỏ hơn như áo phao, ghế ngồi, những thứ thường sẽ nổi".
Những hình ảnh vệ tinh mới của Thái Lan cho thấy 300 vật thể trôi nổi dài từ 2-15 m, cách thành phố Perth, Australia khoảng 2.700 km ở phía nam Ấn Độ Dương, và trước đó, các vệ tinh Pháp và Trung Quốc cũng từng phát hiện nhiều mảnh vỡ.
Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm của các tàu và máy bay tại hiện trường vẫn chưa tiếp cận hoặc thu vớt được bất cứ mảnh vỡ máy bay Boeing 777 nào. Điều này khiến một số thành viên gia đình của 239 hành khách và tổ bay vẫn bám víu vào hy vọng họ còn sống.
Cuộc tìm kiếm của 11 máy bay hôm qua bị cắt ngắn do giông bão và gió mạnh, nhưng 7 con tàu vẫn tiếp tục lùng sục trong khu vực. Điều kiện thời tiết xấu có thể còn cản trở hoạt động tìm kiếm trong thời gian tới.
Trọng Giáp