Tên gọi vitamin, ban đầu là vitamine, ghép từ "vita" (sự sống trong tiếng Latin) và "amine" (một loại hợp chất hóa học chứa nitơ). Tên gọi này do nhà hóa sinh người Mỹ gốc Ba Lan Casimir Funk đặt ra vào năm 1912, khi ông phát hiện nguyên nhân gây ra một số căn bệnh là sự thiếu hụt vài thành phần nhất định trong chế độ ăn uống.
Phát hiện này, cùng với nghiên cứu trong 5 thập kỷ sau đó, bao gồm những đóng góp cho 140 tài liệu kỹ thuật, 30 bài đánh giá và nghiên cứu, mang lại cho Funk danh hiệu "Cha đẻ của vitamin", đồng thời chứng minh vitamin thiết yếu với sức khỏe con người. Công trình của Funk dẫn đến sự phát hiện của 13 vitamin trong 35 năm, là tất cả những vitamin mà con người biết đến ngày nay. Điều này giúp cứu sống vô số sinh mạng, đồng thời để lại dấu ấn lâu dài trong lĩnh vực hóa sinh và dinh dưỡng.
Casimir Funk chào đời tại Warsaw, Ba Lan, năm 1884. Funk là con trai của một bác sĩ Ba Lan, do đó, gia đình muốn ông cũng trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, ông lại nhắm đến bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Berne, Thụy Sĩ, và đạt được mục tiêu này năm 1904, khi mới 20 tuổi. Sau đó, Funk trở thành nhà hóa sinh tại Viện Pasteur, Paris. Ông tiếp tục làm việc tại Bệnh viện thành phố Wiesbaden ở Đức, Đại học Berlin, và Viện Lister ở London. Ông di cư đến Mỹ năm 1915 và giữ một số vị trí quan trọng trong các trường đại học và ngành công nghiệp tại New York.
Năm 1912, Funk phát hiện 4 căn bệnh gồm Beriberi (có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và hệ thần kinh), Scurvy (khiến răng và nướu thối rữa), Pellagra (dẫn đến các biến chứng như viêm da), và bệnh còi xương, đều bắt nguồn từ việc thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. "Chúng ta sẽ nói về vitamine Scurvy và Beriberi, đó là những chất là chất ngăn ngừa các căn bệnh đặc biệt này", Funk viết trong nghiên cứu.
Quan điểm bệnh tật có thể xuất hiện do thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu, không phải chỉ do nhiễm trùng hay độc tố, mang tính cách mạng, nhất là vào thời điểm mà lý thuyết mầm bệnh đang chiếm ưu thế. Lý thuyết này chỉ ra, một số bệnh nhất định bắt nguồn từ những vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, Funk lại đề xuất rằng một số loại vitamin cần góp mặt trong chế độ ăn uống của con người và chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh.
Năm 1912, ông xuất bản nghiên cứu "Nguyên nhân của các bệnh thiếu hụt" trên tạp chí Journal of State Medicine. Năm 1914, ông viết cuốn sách có tựa đề "Die Vitamine" về chủ đề này. Những năm tiếp theo, trong bối cảnh của hai cuộc chiến tranh thế giới, Funk vẫn tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên đi lại giữa châu Âu và Mỹ.
Qua thời gian, các nhà nghiên cứu khác nhận thấy lý thuyết ban đầu của Funk không hoàn toàn chính xác. Không phải tất cả vitamin đều là amine. Ví dụ, vitamin D được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh sáng cực tím và thực chất là một hormone steroid. Đây là lý do tại sao chữ "e" trong "vitamine" bị lược bỏ để tạo thành thuật ngữ "vitamin" như ngày nay. Vitamin cũng không phải chỉ ảnh hưởng đến một bệnh như Funk đề xuất ban đầu. Ví dụ, sự thiếu hụt vitamin D liên quan đến nhiều bệnh mãn tính như rối loạn chuyển hóa xương, bệnh tim và tiểu đường.
Sau này, Funk nghiên cứu về hormone động vật, đặc tính hóa học của các bệnh như ung thư, tiểu đường. Ông cũng tìm ra những phương pháp tốt hơn để thương mại hóa việc sản xuất thuốc. Funk qua đời tại New York năm 1967. Với những đóng góp trong lĩnh vực dinh dưỡng, ông được truy tặng giải thưởng Nutrition Hall of Fame sau khi qua đời.
Thu Thảo (Theo Live Science)