Tại lễ khởi công ngày 25/7, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết gặp nhiều thách thức khi làm lại vở kịch nổi tiếng. Từ bản gốc hơn ba tiếng, anh rút gọn khoảng hai tiếng, phù hợp với thị hiếu khán giả Việt Nam ngày nay. Đạo diễn dàn dựng vở kịch theo quy chuẩn Nhật Bản từ khâu phân tích tác phẩm, lựa chọn diễn viên đến lời thoại, cử chỉ.
"Tôi phải học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt Nam để làm sao truyền tải tác phẩm dễ hiểu nhất. Tôi hy vọng vở diễn lay động tâm hồn khán giả Việt, nhất là những người trẻ từ 20 đến 30 tuổi", đạo diễn nói. Tsuyoshi Sugiyama hiện là đạo diễn sân khấu, cố vấn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh từng dàn dựng vở Cậu Vanya, đoạt giải vàng Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Việt Nam năm 2019.
Ông Nguyễn Sĩ Tiến - giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho biết Hedda Gabler từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng năm 2006 nhưng ít được diễn. Lần này, Nhà hát Tuổi trẻ tìm tòi chất liệu, cách thể hiện mới, mang đến sự khác biệt. Ông nói: "Phong cách của hai nhà hát khác nhau, ở thời điểm cách nhau gần 20 năm nên tôi tin đơn vị mình sẽ có sự sáng tạo, độc đáo". Vở diễn quy tụ dàn diễn viên trẻ tên tuổi như Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang, Nguyệt Hằng, Thanh Tú...
Tác phẩm xoay quanh chuyện đời Hedda Gabler - người phụ nữ đầy mâu thuẫn. Sống trong xã hội đàn ông nắm quyền, Gabler không hài lòng về nhiều vấn đề. Vì vậy, cô có cảm xúc, tính cách phức tạp. Cô sẵn sàng hy sinh quyền tự do, lợi dụng những người đàn ông xung quanh để đạt mục đích cá nhân. Hedda Gabler được tác giả người Na Uy Henrik Ibsen sáng tác năm 1890, là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.
Vở kịch là một trong những dự án kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Na Uy (1971-2021) nhưng phải lùi do dịch. Bà Grete Løchen - đại sứ Na Uy tại Việt Nam - nhận định tác phẩm là một trong những cầu nối giao lưu văn hóa hai nước. "Những vấn đề Henrik Ibsen đặt ra trong tác phẩm, từ hàng trăm năm trước vẫn có ý nghĩa và phù hợp với hiện nay. Tôi rất mong chờ tác phẩm do đạo diễn Nhật Bản và diễn viên Việt Nam thể hiện", bà nói.
Henrik Ibsen (1828-1906) là một trong "tứ trụ" của nền văn học Na Uy thế kỷ 19. Chủ nghĩa hiện thực với sự miêu tả tâm lý đặc sắc trong tác phẩm của Ibsen được coi là có tính chất khai phá cho nghệ thuật kịch hiện đại. Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim và trình chiếu bằng nhiều ngôn ngữ tại các quốc gia. Một số vở kịch nổi tiếng như Hedda Gabler, A Doll's House, Enemy of the People, The Pillars of Society...
Hiểu Nhân