![]() |
Một tiết mục rối nước. |
Ông Đặng Văn Thế, Phó giám đốc Nhà hát, cho biết sở dĩ Nhà hát phải đặt ra hai loại vé trên bởi muốn giữ bản quyền cho buổi biểu diễn. Về chuyện vé quay camera và chụp ảnh không được bán công khai, ông Thế giải thích: "Vì có trường hợp khán giả cầm camera, máy ảnh vào rạp nhưng không có nhu cầu chụp ảnh nên không thể bắt họ mua vé từ khi chưa bước chân vào rạp. Có nghĩa là, vé chỉ được phát khi khán giả có nhu cầu ghi hình và đã hỏi xin phép nhân viên nhà hát".
Song nếu để giữ bản quyền thì theo các điều khoản quy định tại Công ước Rome (1961) cũng như Luật Bản quyền Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long phải quy định rõ thời hạn bảo hộ quyền tác giả, thời hạn được hưởng độc quyền cho phép phóng tác, chuyển thể hay cải biên từ tác phẩm nghệ thuật trình diễn của mình. Theo đó, người biểu diễn được bảo hộ việc phát sóng và truyền phát trực tiếp tới công chúng tiết mục biểu diễn của họ, việc sao chép mà không được phép của họ. Có điều, trên thực tế, Nhà hát lại không hề đưa ra bất kỳ một văn bản nào chỉ rõ về bản quyền tác phẩm cho đối tượng có nhu cầu quay camera hoặc chụp ảnh đúng theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, ngoài mức lệ phí 50.000 đồng và 10.000 đồng. Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Bản quyền tác giả, nhận định: "Nhà hát khó có thể giữ bản quyền nếu chỉ thu phí vài chục nghìn, không kèm điều khoản nào để rồi sau đó các tổ chức, cá nhân đã quay phim, chụp ảnh cứ việc phát sóng thoải mái, in sao vô tội vạ... Như vậy, mức phí 50.000 đồng và 10.000 đồng không thể gọi là tiền bản quyền sở hữu trí tuệ được".
Bên cạnh đó, việc phát hành hai loại vé trên đã được tiến hành từ năm 1998 mà không hề có văn bản chấp thuận của Cục thuế thành phố Hà Nội. Giải thích điều này, ông Lê Văn Ngọ, giám đốc Nhà hát, nói: "Vì không nhận được Thông tư hoặc văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi việc đăng ký mã số thuế và lập tờ khai với Tổng cục Thuế nên Nhà hát phải tự ký hợp đồng phát hành vé với công ty Mỹ thuật trung ương (trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin)".
Thế nhưng, trên thực tế, Bộ Tài chính đã có Nghị định 89/CP - 2002 và Thông tư 120/2002 quy định và hướng dẫn thi hành nghị định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn. Và, về phía Bộ Tài chính, ngay từ năm 1999, Đoàn Thanh tra Bộ khi tiến hành thanh tra công tác quản lý tài chính của nhà hát cũng đã kiến nghị đơn vị nghệ thuật này phải đăng ký với Cục thuế thành phố Hà Nội để thống nhất phát hành vé và phải thực hiện ngay từ quý IV năm 1999.
Về vấn đề giá vé của Nhà hát múa rối Thăng Long, hằng năm Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cũng thường xuyên phải có công văn nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh. Ông Phan Đăng Long, quyền giám đốc Sở cho biết đầu năm nay, Sở đã lập đoàn thanh tra và phát hiện sai phạm về việc tự in vé, trái với quy định, thủ tục hành chính của nhà nước.
Mặt khác, theo điều 20, chương V Quy chế biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa Thông tin, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và diễn viên chuyên nghiệp được quyền thu nhập tài chính thông qua hoạt động tổ chức biểu diễn hợp pháp, được sử dụng tác phẩm theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các văn bản pháp quy khác về quyền tác giả. Có nghĩa là "nhà hát múa rối Thăng Long hoàn toàn có quyền đề xuất khung giá vé cao, thấp khác nhau cho các buổi biểu diễn nhưng phải trên cơ sở thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng Luật Doanh nghiệp", ông Lê Nam, trưởng phòng quản lý nghệ thuật và băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết.
Như vậy, toàn bộ vấn đề ở chỗ nhà hát múa rối đã tự phát hành vé quay camera và chụp ảnh mà không thực thi đúng Luật doanh nghiệp và không công khai với Bộ Tài chính. Và, theo ông Phan Đăng Long, Quyền giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội thì các đơn vị nghệ thuật thường không sống được bằng nghề nên nhiều lúc phải "lách" để cải thiện đời sống cho anh em nghệ sĩ.
Điều 11, chương II Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng (ban hành kèm Quyết định số 885/Bộ Tài chính -ngày 16/7/1998) quy định về việc in vé, hóa đơn: Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hóa đơn tự in phải có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế kèm theo mẫu hóa đơn và chỉ được tự in hóa đơn (vé) khi có văn bản chấp nhận của Tổng cục Thuế... Trước khi sử dụng hóa đơn, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản với Cục thuế tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý về mẫu hóa đơn, số lượng phát hành, thời gian sử dụng để cơ quan thuế mở sổ theo dõi. Điều 15 chương II Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng nêu rõ: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự in hóa đơn, các đơn vị hoạt động ngành in nhận đặt in hóa đơn mà chưa được Tổng cục Thuế chấp nhận bằng văn bản. Theo đó, Nghị định 89/CP -2002 ngày 7/11/2002 của Chính phủ và Thông tư 120/2002 Bộ Tài chính ngày 30/12/2002 cũng đã Quy định và hướng dẫn thi hành nghị định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn. |
Hiền Hòa