Không chỉ được xem, khán giả nước ngoài còn được tận tay sờ và điều khiển con rối. Ảnh: Bình Minh. |
Trò đua xe đang đến hồi kết thúc, hai xe máy nhỏ xíu làm bằng gỗ, mỗi bên chở ba người văng đi và nổi bồng bềnh trên mặt nước, bỗng bị sập nguồn điện. Nhóm học sinh Malaysia ngồi bên dưới nhao nhao vì đang hay lại mất hứng. Buổi diễn tạm dừng vài phút để chủ nhà khắc phục sự cố. Xong xuôi, nhóm học sinh quốc tế lại rú lên cười khi các nhân vật rối nước bất ngờ phun nước vào người họ...
Suất diễn kéo dài 30 phút kết thúc, nhóm học sinh được lội hẳn vào hồ nước để tự tay điều khiển rối. Tò mò và thích thú, các bạn nhỏ thay nhau cho chú rùa, trâu hay chú Tễu cử động. Các vị khách còn được nghệ nhân giảng giải cách làm rối. Trước đó, họ cũng được nghe chủ nhân chia sẻ về dòng họ 7 đời làm rối nước cùng những kỷ niệm lưu diễn nước ngoài của mình.
* Ảnh: 'Nhà hát múa rối nước' mini trên tầng 4 |
Sân khấu rối nước mini trên tầng 4 ngôi nhà ở Khâm Thiên (Hà Nội) của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, 47 tuổi, vừa ra mắt đã thu hút nhiều đoàn khách, đặc biệt là người nước ngoài. Bể nước nhỏ hình bán nguyệt được quây bằng tôn, mái đình đỏ, nổi trên mặt nước là những mảng bèo. Khác với thủy đình ở những nhà hát múa rối, thủy đình của hậu duệ đời thứ 7 trong gia đình làm múa rối ở Nam Định này có thêm cây đa và khóm tre vàng.
Lý giải cho tiểu cảnh ấy, người đàn ông dáng cao ráo cho biết muốn giới thiệu cả lịch sử và những nét đặc trưng của người Việt với bạn bè quốc tế. "Cây đa, bến nước sân đình" hay "tre vàng Thánh Gióng" đều là hình ảnh quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt. Bởi vậy, ngoài việc biểu diễn các trò, anh còn muốn quảng bá văn hóa.
Tiết mục rối đua xe máy được khán giả yêu thích, đặc biệt là trẻ em. Ảnh: Bình Minh. |
Theo anh Liêm, từ những năm 2000, anh đã công bố mô hình độc diễn rối nước, nhưng do nhà chật, không có chỗ diễn nên không thể phát triển được. Thông thường mỗi buổi diễn cần rất nhiều người, đôi khi 2-3 người mới điều khiển được một con. Rối nước được thiết kế có đế bằng gỗ cùng các phụ kiện lắp ghép bên trong nên rất nặng. Người điều khiển cần có sức khỏe và tập trung để di chuyển con rối uyển chuyển, nhịp nhàng.
Để buổi diễn không "cồng kềnh", anh Liêm đã cải tiến con rối với đế bằng cao su. Vì thế anh có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa gồm 8 cô tiên. Với sáng tạo ấy, anh "tung hoành" trên sân khấu mini của riêng mình tại nhà và vi vu một mình lưu diễn trời Tây.
Thủy đình mini trên tầng 4 nhà anh Liêm. Ảnh: Bình Minh. |
Ngoài cải tiến để rối nhẹ hơn, anh Liêm cũng sáng tạo thêm nhiều nhân vật và lồng ghép những vấn đề xã hội quan tâm như đua xe vào bài biểu diễn của mình. Anh cho hay thường đưa nhiều trò dân gian, truyền thống ra nước ngoài diễn. So với những trò ấy, màn đua xe máy được đón nhận hơn cả.
Để có suất diễn 30 phút hoàn hảo, nghệ sĩ rối nước Thành Nam này tâm sự, anh luôn phải chuẩn bị chu đáo. "Phải kiểm tra các con rối xem có bị trục trặc gì không. Nhiều khi không để ý dây thép bị đứt hay gãy cũng làm buổi diễn bị gián đoạn. Ngoài ra tôi cũng phải thuộc nhạc để nhớ đoạn nào nhịp điệu nhanh để có động tác nhanh và ngược lại", anh Liêm chia sẻ.
Sân khấu lưu động của anh Liêm có thể gấp gọn và mang theo anh mỗi chuyến sang nước ngoài. Hành lý mỗi lần đi diễn ở Đức, Ba Lan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... có tới 100 kg. Có lần sang Pháp, mấy hòm "đồ nghề" bị thất lạc trong khi hôm sau anh có suất diễn. Vé đã được bán đi, băng rôn, quảng cáo treo đầy đường, các hãng thông tấn cũng đưa tin.
"Lần đó, tôi lo không ăn ngủ được. Sau nhờ mối quan hệ của ban tổ chức với sân bay, tôi đã tìm thấy chúng ở kho hàng. Đó là lần tôi thót tim nhất", anh Liêm nhớ lại.
Kỷ niệm lần sang Hàn Quốc cũng khiến anh không thể quên. Trời mưa, khán giả được phát áo mưa và từ tốn xếp hàng vào xem. Trong lúc diễn, không gian tuyệt đối được giữ im lặng để người xem cảm thụ nghệ thuật và nghệ sĩ không bị phân tâm. Sau buổi diễn, nhiều khán giả, đặc biệt là những người trẻ đã tới xin chữ ký anh và bày tỏ cảm kích khi lần đầu tiên được xem múa rối.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là nghệ nhân Phan Văn Ngải ở phường rối Nam Trực (Nam Định), anh Liêm may mắn được tiếp xúc với rối nước từ lúc ấu thơ. Gia đình có truyền thống điêu khắc nên anh đã mày mò quan sát bố để tự làm cho mình những pho tượng gỗ bé xíu. Trong ký ức của người nghệ sĩ này, ngày nhỏ anh thường cùng bố đi bộ gánh tượng, rối đến chợ Viềng bán. Lớn hơn một chút, anh bắt đầu đam mê rối nước sau những lần xem biểu diễn ở thủy đình làng. Trong số 7 anh chị em, Liêm mê rối nhất và đến giờ cũng chỉ có anh cùng một người anh trai khác ở Nam Định là sống với nghề.
Bố anh cũng có một đoàn rối riêng từng biểu diễn nhiều nơi ở nước ngoài nhưng sau đó không trụ được vì không cân đối được thu chi. Ý tưởng độc diễn của anh Liêm từng bị bố và nhiều người ngăn cản vì có vẻ "viển vông". Quyết tâm cải tiến và sáng tạo, anh đã cho ra đời mô hình độc diễn độc đáo nhất trong làng rối Việt Nam.
Anh Liêm cùng con trai ra chào khán giả sau khi kết thúc màn biểu diễn. Ảnh: Bình Minh. |
Vừa trở về sau một tháng được mời sang Hàn Quốc biểu diễn, anh Liêm bận rộn chăm chút cho sân khấu nhỏ của mình. Cậu con trai thứ hai mới 4 tuổi nhưng rất đam mê rối. Mỗi khi bố có chương trình, cậu bé đòi được cùng bố biểu diễn vài phân đoạn nhỏ. Khác với cậu út này, cậu anh cả không "mặn mà" với công việc của bố lắm.
Tất bật đón các đoàn khách nước ngoài tới nhà xem rối, anh Liêm còn phục vụ cả ăn uống nếu khách có nhu cầu. Hiện tại, giá vé vào cửa vẫn ở mức "ngoại giao" vì anh Liêm đặt mục tiêu duy trì và bảo tồn văn hóa lên hàng đầu. Sắp tới, anh sẽ đưa vào thử nghiệm các tiết mục múa rối có chủ đề và kịch bản rõ ràng, không đơn thuần chỉ là trò như hiện tại.
"Tôi muốn khán giả không chỉ được xem, được tận tay sờ vào rối mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của gia đình nghệ sĩ, cùng vào bếp và thưởng thức đồ ăn Việt. Nhờ vậy, họ không chỉ có kiến thức mà còn hiểu thêm về múa rối truyền thống", anh Liêm cho hay.
Bình Minh