Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giám đốc đơn vị - cho biết không gian mang tên Vườn âm nhạc (Music Garden), khai trương từ ngày 2/3. Các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nhạc cổ điển (buổi sáng và chiều), nhạc cổ điển, hiện đại (buổi tối). Ngoài ra, lãnh đạo Nhà hát Lớn kết hợp các đại sứ quán, mời nghệ sĩ nước ngoài trình diễn trong một số dịp.
Không gian có sân vườn lát cỏ nhân tạo, tiểu cảnh, điểm nhấn là sân khấu gần đài phun nước kiến trúc cổ điển. Ngoài ra, các nghệ sĩ có thêm một sân khấu giáp mặt tường Nhà hát Lớn. Khi biểu diễn, họ còn có thể tận dụng thêm các mái vòm trên cao.
Theo nhạc trưởng Lưu Quang Minh, không gian có nét tương đồng với nhiều địa điểm biểu diễn của các nghệ sĩ cổ điển quốc tế. "Vườn âm nhạc có vẻ cổ kính, lãng mạn, đồng thời khiến khán giả cảm thấy gần gũi, thoải mái", nhạc trưởng nói.
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm ở phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, được các kiến trúc sư người Pháp xây dựng từ năm 1901, họa theo hình dáng nhà hát Opera Garnier nổi tiếng ở Paris. Theo tư liệu lịch sử, 300 công nhân ra sức làm việc hàng ngày, kéo dài tới chục năm cho đến ngày khánh thành năm 1911. Kinh phí xây dựng nhà hát là 2 triệu Franc Pháp.
Khi ấy, Nhà hát Lớn tọa lạc bề thế với những bậc thang trải dài phía trước, cửa trông ra quảng trường Cách mạng tháng 8 ngày nay (lúc ấy có tên quảng trường Nhà hát). Địa điểm là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển: Opera, nhạc thính phòng, kịch nói. Khán giả tới đây chủ yếu là lớp quan lại thượng lưu người Pháp và người Việt giàu có.
Công trình này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như: mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17/8/1945), Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt (29/8/1945), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát lớn Hà Nội (2/9/1946), Quốc hội họp thông qua Hiến pháp 1946.
Hà Thu