Chủ nhật, 15/9/2024
Chủ nhật, 1/10/2023, 06:00 (GMT+7)

Nhà hát hơn 120 tuổi ở Sài Gòn trước khi sửa chữa

Nhà hát thành phố, quận 1, là công trình kiến trúc Pháp nổi bật, sẽ được sửa chữa, tu bổ, phục dựng với kinh phí 337 tỷ đồng.

Nhà hát thành phố được khởi công năm 1898 và hoàn thành sau hai năm. Toà nhà có mặt tiền hướng ra đường Đồng Khởi, quận 1, toạ lạc tại vị trí đẹp khu trung tâm, là một trong những kiến trúc tiêu biểu từ thời Pháp.

Công trình có diện tích xây dựng hơn 2.000 m2, do kiến trúc sư Félix Olivier thiết kế, lấy cảm hứng từ nhà hát Opera Garnier ở Paris, được thiết kế theo lối kiến trúc Flamboyant Gothic của thời Đệ tam Cộng hòa Pháp thuộc thế kỷ 19. Các họa tiết trang trí lẫn vật liệu xây dựng hầu hết được đặt hàng sản xuất và vận chuyển từ Pháp qua.

Mới đây, theo nghị quyết HĐND thành phố thông qua, nhà hát sẽ được sửa chữa, phục dựng hoàn toàn với kinh phí 337 tỷ đồng. Việc tu bổ nhằm bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thành điểm tiếp các đoàn khách quốc tế đến thành phố, tổ chức lễ hội, sự kiện trọng đại.

Nhà hát có một trệt, hai lầu, ở bên hông là hệ thống các ô cửa vòm với dãy lan can nhô cao mang đậm nét kiến trúc cổ điển Pháp. Hai bên đều có mảng xanh tạo cảnh quanh hài hoà cho công trình trăm tuổi.

Nhà hát từng có thời gian sử dụng làm toà nhà Quốc hội và Hạ nghị viện của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, toà nhà được trở lại chức năng biểu diễn nghệ thuật. Nhân dịp 300 năm Sài Gòn - Gia Định vào năm 1998, thành phố tiến hành tu bổ lại với kinh phí 25 tỷ đồng. Lúc này các trang trí, điêu khắc đã được phục chế so với nguyên trạng trước đó.

Ở chính diện lối vào nhà hát là hai bức tượng nữ thần bán thân đỡ cột cao khoảng 4,5 m đứng trên bệ, theo phong cách Erechtheyon Hy Lạp. Hai tượng này và một số phù điêu ở mặt tiền từng bị dỡ ra khi công trình sử dụng làm toà nhà Quốc hội và Hạ Nghị viện của chính quyền Sài Gòn.

Chính giữa mặt tiền là vòm cung lớn, với đỉnh là hoạ tiết hai thiên thần ngồi cạnh nhau, ở giữa là cây đàn Lyre đặc trưng của thần thoại Hy Lạp. Xung quanh vòm cung phù điêu hình đầu của thần Pan, vị thần âm nhạc đồng quê.

Vòm cung nhỏ phía trong là bức bích hoạ vẽ 5 vị thần trên nền gạch men, chính giữa có hình dáng như một ngôi đền với hình ảnh nữ thần bên trong và dòng chữ "Nhà hát thành phố" dưới cùng, thay thế cho dòng chữ nguyên bản Théatre Municipal có từ thời Pháp.

Những bức phù điêu đắp nổi bên ngoài nhà hát là hình ảnh cây đàn, dây hoa, thiên thần, vị thần trang trí quanh mặt tiền, các cột và bên hông nhà hát.

Lối chính vào nhà hát gồm ba cửa theo hình vòm cung, trên trần là đèn chùm cỡ lớn.

Hai bên hông nhà hát có cầu thang lan can bằng sắt, hệ thống cột và trần trang trí nhiều phù điêu, tạo không gian sang trọng cho công trình.

Khán phòng nhìn từ phía sân khấu có thể thấy rõ trần nhà thiết kế hình vòm, hoa văn tinh xảo mang đậm phong cách kiến trúc flamboyant. Không gian khán phòng được trang trí nhiều chi tiết phù điêu, đèn chiếu sáng cổ điển mang lại cảm giác ấm cúng, sang trọng.

Xung quanh trần của tầng trên cùng được xây dựng nhiều ống thông gió được trang trí bằng vòng hoa đẹp mắt.

Tổng thể nhà hát trong không gian khu trung tâm TP HCM, với mặt tiền hướng ra công viên Lam Sơn và phố đi bộ Nguyễn Huệ, phía sau và hai bên hông là mảng xanh cùng các khách sạn, cao ốc...

Công trình được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2012. Nhà hát là địa điểm thường xuyên tổ chức nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật, đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức các sự kiện lớn của thành phố.

Quỳnh Trần