Hiện diện tại sân trước chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, nhưng nếu không chú ý quan sát, khó ai có thể phát hiện sự có mặt của Việt Chay bởi nhìn từ ngoài vào, dấu hiệu nhận biết của nhà hàng chỉ là một tấm bảng nhỏ. Nhưng bên trong là một thiết kế vừa sang trọng vừa gần gũi.
Một góc nhà hàng Việt Chay chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Bảo Quân. |
Nhóm sinh viên người Trung Quốc, Lý Hạo Thiên, Huỳnh Thục Uyên, Trịnh Lâm cho biết, họ đã đi khắp Việt Nam, ghé rất nhiều quán bán thức ăn chay nhưng chưa nơi nào tạo được ấn tượng như tại đây. "Thưởng thức ẩm thực chay trong không gian mang tính hướng Phật là điều thú vị nhất ở đây", Trịnh Lâm nói.
Còn theo anh Tùng, Giảng viên khoa Mỹ thuật, Trường ĐH Kiến Trúc TP HCM, anh nghiện đến quán chính vì lối thiết kế không gian "trời đất giao hòa". Bao bọc xung quanh nhà hàng là lớp kính dày khiến ánh sáng thiên nhiên có thể chiếu khắp các phòng ăn đã khiến cho Việt Chay thoát khỏi cảnh nóng bức vẫn thường thấy tại các quán chay.
"Nếu không muốn ngồi phòng máy lạnh, bạn có thể vừa thưởng thức món ăn vừa nghe nhạc kinh, ngắm đàn cá nhỏ bơi lội trong con suối nhân tạo ngay dưới lối đi tại khu vực ngoài trời. Hơi hướng Phật sẽ tràn ngập khắp nơi", Tùng nói.
Nhiên, Linh, Thanh, Duy, sinh viên ĐH Mở bán công TP HCM, cũng tìm đến đây mỗi cuối tuần. Không chỉ dùng bữa, họ chọn Việt Chay như điểm hẹn để uống trà và trao đổi việc học. "Sang trọng nhưng không xô bồ, thức ăn ngon lại rẻ chính là những ưu điểm khiến bọn em chọn nơi này", Khánh Linh, sinh viên năm 2 khoa mỹ thuật nói.
Riêng nhóm Phật tử đến từ Canada thì lại cảm thấy thích thú bởi cung cách phục vụ thuần văn hóa Phật giáo của đội ngũ nhân viên và lối trang trí tranh thơ Phật.
Bố cục kiến trúc theo lối "Trời đất giao hòa". Ảnh: Bảo Quân. |
Bà Hoàng Long Ngọc Diệp, giám đốc điều hành Việt Chay cho biết, "nhà hàng trong chùa" xuất phát từ ý tưởng của sư cô Thích Nữ Huệ Đức, thành viên Ban văn hóa thành hội Phật giáo TP HCM. "Lúc đầu, sư cô dự định lập một "siêu thị Phật giáo" chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ Phật tử nhưng cuối cùng do mô hình trên đòi hỏi diện tích quá lớn nên ý tưởng bị thu nhỏ lại thành nhà hàng", bà Diệp nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Diệp, để có được Việt Chay, việc thuyết phục được nhà chùa cho phép mở nhà hàng ngay trong chùa mới là điều khó bởi đa phần chùa chiền không cho phép kinh doanh.
Còn theo Đại đức Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, đồng ý cho lập nhà hàng ngay trong khuôn viên là một quyết định khá tạo bạo, tuy nhiên lại phù hợp với nhu cầu ăn chay ngày càng cao của khách thập phương. Một phần lợi nhuận thu được từ nhà hàng sẽ được mang đi làm việc thiện, phần còn lại được tích lũy để phát triển thêm nhà hàng tại các chùa khác.
Thiên Chương