Trưa 9/2 (28 Tết), nhiều beerclub, quán nhậu, karaoke... ở đường Phạm Văn Đồng cửa đóng then cài. Ngoài cổng những tấm bảng "phục vụ xuyên Tết" "tuyển nhân viên làm Tết lương gấp 3", nhưng bên trong bàn ghế được kê gọn vào một góc, hàng rào sắt quây xung quanh, cổng khóa cửa không người ra vào.
Tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, anh Nguyễn Quốc Thắng, 45 tuổi, quản lý quán hướng dẫn nhân viên dọn dẹp bàn ghế, xịt nước rau sàn chuẩn bị ngừng hoạt động. Ngoài cổng, nhân viên thu dọn các tiểu cảnh, hình nộm con trâu, câu đối ngày Tết. Quản lý quán cho biết, hai chi nhánh cách nhau hơn một km, nhưng dịp Tết chỉ còn một chi nhánh phục vụ. Tuy nhiên, theo chỉ thị của chính quyền thành phố, quán phải ngưng từ 12h hôm nay.
"Bốn hôm trước quán nhận đặt 2 tiệc sinh nhật với sự tham gia hơn 30 người trong hôm nay nhưng phải hủy để chấp hành yêu cầu của chính quyền", anh Thắng nói và cho biết hy vọng kiếm thêm ngày Tết để phần nào bù đắp thiệt hại vì Covid-19 trong năm qua không còn. Đợt giãn cách xã hội, quán anh bị ngưng, khiến hơn 50 nhân viên phục vụ chỉ nhận phân nửa tiền lương. Thiệt hại trong năm vừa qua lên tới 6 tỷ đồng, trong đó tiền mặt bằng mỗi tháng hơn một tỷ.
Gần 20 nhân viên làm Tết quê ở miền Trung, miền Bắc ở lại thành phố với hy vọng khoản lương gấp đôi trang trải cho một năm dịch bệnh, giảm lương tỏ ra buồn bã vì phải ngưng hoạt động. Anh Trương Công Linh, 22 tuổi, quê Trà Vinh, nhân viên bảo vệ quán chia sẻ, hồi tháng 4 năm ngoái, quán ngưng hoạt động. Ngoài tiền lương bị giảm, anh Linh không có thêm tiền khách cho thêm. "Hy vọng vào đợt làm Tết này tôi sẽ có thêm khoản tiền gửi về gia đình nhưng không thực hiện được. Đảm bảo sức khỏe, phòng dịch vẫn ưu tiên hơn", anhh Linh nói.
Ở khu trung tâm thành phố, tại phố đi bộ Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, hầu hết các quán nhậu, beerclub đã đóng cửa trước 12h hôm nay. Nhiều quán cho nhân viên dọn dẹp, lau chùi bàn ghế xếp gọn để chờ đến khi được kinh doanh trở lại. Các quán bar được trang hoàng hoa mai, đào, câu chúc bắt mắt khoá cửa, phủ bạt bàn ghế. Một số chủ cơ sở kinh doanh tranh thủ thời gian đóng cửa để thuê thợ tân trang lại quán, lắp đặt thêm hệ thống điện, đèn led.
Sau khi xếp bàn ghế ngay ngắn vào góc tường của quán, chị Văn Minh Thùy đóng cửa cuốn để tuân thủ quy định phòng dịch. Nữ chủ quán nhậu ở phố Bùi Viện cho biết, năm nay là năm đầu tiên sau 9 năm kinh doanh chị phải đóng cửa dịp tết. "Năm ngoái, một tuần trước tết và tới ngày mùng 10 tết quán tôi đón lượng khách rất nhiều. Doanh thu tăng 2-3 lần so với ngày thường. Nhưng năm nay lại thất thu", chị Thùy nói và hy vọng dịch ở TP HCM sớm được kiểm soát để các dịch vụ vui chơi hoạt động trở lại.
Động thái dừng dịch vụ không thiết yếu từ 12h ngày 9/2 được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 trong bối cảnh TP HCM ghi nhận 31 ca nhiễm ở 8 quận. Ngoài ra, các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở cơ sở tôn giáo, thờ tự cũng phải dừng để phòng chống dịch.
Riêng các cửa hàng xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, cơ sở khám chữa bệnh hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ quy định của cơ quan y tế.
Đây là lần thứ hai TP HCM phải dừng các dịch vụ không thiết yếu. Tháng 3 năm ngoái khi Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội trong 15 ngày kể từ ngày 1/4. Sau đó TP HCM và 11 địa phương thực hiện giãn cách 22 ngày.
Đình Văn - Hà An