Thứ năm, 21/11/2024
Thứ sáu, 5/9/2014, 10:04 (GMT+7)

Nhà hàng đá giữa vườn hoa đào

Công trình làm bằng đá xẻ, tre, luồng... nằm giữa rừng núi Sơn La, trở nên nổi bật khi mùa hoa đào nở.

Là nhà hàng nằm trong tổ hợp thương mại của một khu có tiềm năng về kinh tế của tỉnh Sơn La, công trình Sơn La Complex cần đáp ứng được các tiêu chí về công năng, văn hóa vùng miền cũng như sự độc đáo trong kiến trúc.

Thiết kế chính là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, kết hợp với kiến trúc sư Vũ Văn Hải và nhóm thiết kế Ngô Thùy Dương, Trần Mai Phương đã đưa ra những giải pháp về kết cấu và vật liệu hiệu quả để giảm thiểu chi phí xây dựng cho chủ đầu tư.

Nằm ở phía bắc Việt Nam, Sơn La có khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa: Nóng, ẩm, nhiều mưa, mùa đông rất lạnh. Với địa hình 80% là đồi núi, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, Sơn La hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, nhiều mùa hoa đẹp và phong tục sống đặc sắc của người bản địa.

Tuy nhiên, khoảng cách địa lý khá xa, phải mất 7 giờ đồng hồ đi từ Hà Nội, cùng với địa hình hiểm trở, việc tổ chức xây dựng, vận chuyển vật liệu thi công hết sức khó khăn và đắt đỏ. Hơn nữa, việc xây dựng ở đây chủ yếu dựa và kỹ năng, tay nghề thủ công của người thợ. Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc của tỉnh Sơn La cũng như ảnh hưởng tới dự án Sơn La Complex nói riêng.

Vật liệu chính xây dựng công trình là đá xẻ, tre, luồng, vọt đều có sẵn tại địa phương.

Thêm vào đó, tại Việt Nam cũng như tỉnh Sơn La, nguồn nhân công dồi dào cùng tay nghề thủ công cao đã hiện thực hóa ý tưởng xây dựng nên một công trình đẹp giản dị với chi phí xây dựng thấp, khoảng 600 USD một m2.

Vật liệu đá xẻ có đặc tính dễ cắt, màu sắc tự nhiên được lấy từ các mỏ đá cách công trình chưa đến 10 km để giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, để phù hợp với khí hậu cần thông thoáng vào mùa hè, nhưng kín gió, ấm áp vào mùa đông, công trình tổ hợp từ 8 khối cao thấp khác nhau tạo nên không gian chung thoáng đãng và không gian riêng tư ấm cúng với hướng nhìn mở ra khung cảnh thiên nhiên.

Không gian mỗi khối chính là nơi thể hiện nét văn hóa, gắn kết cộng đồng theo từng nhóm nhỏ, qua ẩm thực của người dân Sơn La.

Kết nối các không gian riêng là hệ mái lợp vọt cao và rộng với kết cấu chịu lực chính là luồng.

Đây là giải pháp sử dụng vật liệu địa phương để có không gian thoáng đãng và phản ánh được một phần văn hóa thích gần gũi với thiên nhiên của Sơn La.

Từng cây luồng với tiết diện 80-100 mm được bó thành hệ cột và hệ dầm chính, gồm 5 thanh tre đan xen với nhau, kết cấu tối giản tạo vẻ đẹp thô mộc, thông thoáng cho kiến trúc của công trình.

Ban Mai
Ảnh: Hiroyuki Oki