Masaki Sato ngày 6/1 lái xe suốt đêm từ Tokyo để tới Akasaki, cách đó 300 km, để kiểm tra ngôi nhà 85 tuổi mà anh mua năm 2017 và cho thuê làm nơi nghỉ mát mùa hè.
"Ngôi nhà nằm trên một khu đất hẹp, có nhiều phòng nhỏ với nhiều cột" khiến kết cấu nhà rất vững chắc, Sato, 43 tuổi, nói.
Để chống chọi mưa, tuyết và gió khắc nghiệt thổi vào từ Biển Nhật Bản, nhà của Sato và những căn khác ở Akasaki không lắp nhiều cửa sổ kính. Tường làm từ gỗ rắn chắc, xếp lớp theo chiều ngang. Phòng ốc được dựng lên nhờ hệ thống dầm bắc ngang dọc trên trần.
Giới chức Nhật Bản ngày 8/1 cho hay trận động đất và dư chấn của nó khiến ít nhất 168 người chết, 323 người mất tích. Ban đầu họ thống kê hơn 100 người mất tích nhưng con số này đã tăng gấp ba lần sau khi cập nhật lại tình hình ở thành phố Wajima.
Tuy nhiên, không có bất kỳ thương vong nào xảy ra ở ngôi làng nhỏ Akasaki. Sóng thần sau động đất cũng không vươn tới được những ngôi nhà xây trên nền đất cao hơn, phía gần biển có những khối bê tông Tetrapod chắn sóng (khối có ba chân để giảm áp lực khi sóng đánh vào bờ).
Trong nhà của Sato, bát đĩa gốm sứ vỡ tan, đồ đạc rơi đổ, một cánh cửa trượt bằng gỗ bị hỏng khiến mảnh vỡ rơi vãi trên sàn. Nhưng thiệt hại chỉ có thế.
"Tôi rất phấn khởi vì cả làng vẫn trụ vững", Sato nói khi ngồi bên kệ bếp đầy bụi nhưng vẫn chắc chắn. "Tôi nghĩ nguyên nhân là cách thiết kế nhà".
Seiya Shinagawa, từng làm ngư dân, cho hay nhiều ngôi nhà khác trong làng cũng "gặp may" tương tự bởi thiết kế đa phần giống nhau. "Theo truyền thống, nhà kho được xây ven biển để chắn gió, phía sau là nhà chính hẹp hơn", người đàn ông 78 tuổi nói.
Ông cho hay cách thiết kế này có từ thời trước, khi ngư dân xây nhà kho trước biển để tiện đưa thuyền thẳng ra biển. Từ những năm 1920, ngư dân bắt đầu đánh bắt xa bờ ở vùng biển sâu để kiếm nhiều lợi nhuận hơn. Khi một trận hỏa hoạn phá hủy nhiều ngôi nhà vào cuối những năm 1930, người ta đã xây lại theo thiết kế giống nhau và vững chắc hơn.
Tuy nhiên, làng Akasaki đang đối mặt vấn đề phổ biến ở Nhật Bản là dân số già hóa. Đa số người dân trên 65 tuổi và nhiều người sống một mình, trong đó có bà Aiyo Wakasa, 74 tuổi.
"Hàng xóm nhà tôi và nhà bên cạnh đều ở một mình", bà nói.
Wakasa cho hay sửa nhà tốn kém và "không chắc có bao nhiêu người nghĩ rằng nên sửa nhà và tiếp tục sống ở đây khi chẳng có ai thừa kế".
Đối với Sato, nhân viên IT đồng thời làm thêm mảng sửa chữa cải tạo nhà cửa, anh không chịu nổi khi chứng kiến Akasaki bước vào giai đoạn đi xuống. Khu vực này không được chính quyền công nhận là tài sản văn hóa nhưng người dân ở đây có nếp sống giản dị kiểu cũ. Nếu không có người sống, nhà cửa sẽ bị xuống cấp và phá bỏ, khiến ngôi làng mất đi vẻ đẹp vốn có.
"Akasaki, nơi đã bảo tồn được thiết kế nhà cửa đồng nhất và độc đáo, đang mất đi vẻ đẹp cảnh quan", anh nói.
Để giữ gìn vẻ ngoài đặc biệt của Asaki, Sato đã mua 5 ngôi nhà và tự cải tạo, đồng thời lên kế hoạch mở một số quán cà phê và nhà hàng.
"Ngôi làng rất quý giá, không nên để mất", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)