"Ngày nào tôi cũng vào các trang của Target và Walmart. Nó thực sự trở thành nỗi ám ảnh", người phụ nữ ở trong khu nhà giàu của Chicago, bang Illinois giải thích.
Ngôi nhà búp bê hình con mèo, cao 60 cm, đang được xem là món đồ chơi "hot nhất năm" sau loạt phim Gabby's Dollhouse trên Netflix. Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên nó trở thành món đồ khó mua nhất.
Theo gợi ý của một phụ huynh, Chrissy cuối cùng đã mua được món quà theo cách chưa từng làm: Mua đồ cũ. Cô đã tìm được nó với giá 200 USD, đắt gần bốn lần giá gốc.
"Thật kỳ lạ khi tặng đồ cũ, nhưng ít nhất Giáng sinh này con sẽ có đồ chơi yêu thích. Tôi đang không biết con bé có nhận ra sự khác biệt hay không", cô nói.
Kể từ tháng 9, các chuyên gia bán lẻ đã cảnh báo về sự khan hiếm hàng hóa trong dịp mua sắm cuối năm. Điều này buộc các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu phải tìm đến đồ cũ. Tờ Insider đã phỏng vấn hàng chục bậc phụ huynh, qua đó thấy khá phổ biến việc tìm mua đồ chơi đã qua sử dụng.
Bà Adrienne Appell, phó chủ tịch cấp cao về tiếp thị và truyền thông của Hiệp hội đồ chơi Mỹ cho biết, sự khó khăn mua quà Giáng sinh cho trẻ thực sự trở thành một vấn nạn. "Ngành công nghiệp đồ chơi rất khó đoán xu hướng và thường chính những đứa trẻ là yếu tố quyết định. Các bậc cha mẹ luôn muốn biến những ngày lễ trở nên kỳ diệu cho con, nên sẽ làm nhiều cách để mua", Adrienne nói.
Bà mẹ Valerie Phelps rơi vào tình huống khó khăn khi con gái muốn được nhận một món đồ chơi khó mua nhất: Magic Mixies Cauldron. "Đây là chiếc vạc đồ chơi để trộn 'thuốc độc', sau đó một con thú nhồi bông sẽ bật ra", Valerie nói.
Khi con gái của cô viết một bức thư cho ông già Noel vào tháng 10, cô đã nhận thức được tình trạng khan hiếm món đồ này và đặt mua ngay. Dự kiến món quà được giao 1/12 nhưng sau đó bị đẩy sang giao 11/1. Valerie lùng sục các web mua đồ chơi cũ, giá bị đẩy lên gấp ba lần. Cuối cùng cô gặp may nhờ tìm thấy một bộ còn sót trong kho, tại một siêu thị cách nhà hai giờ lái xe.
Giáo sư tâm lý học Shawn M. Burn, Đại học Bách khoa California gọi áp lực tặng quà là "vấn đề của ông già Noel". Lý do vì Giáng sinh ở Mỹ rất chú trọng quà tặng. "Một phần đây là kết quả của quảng cáo và tiếp thị không ngừng, thúc đẩy một kỳ nghỉ theo chủ nghĩa vật chất", Shawn nói.
Nhiều người Mỹ nói với con các món quà được ông già Noel chuyển phát kỳ diệu. Để tránh làm con thất vọng, họ phải hiện thực hóa tưởng tượng Giáng sinh của con. "Sau tất cả khó khăn trẻ em phải đối mặt do Covid-19, các bậc cha mẹ có thể cảm thấy áp lực hơn để mang đến cho con một Giáng sinh hoàn hảo", giáo sư Shawn nói.
Mặc dù thị trường bán đồ cũ tăng mạnh trong những năm gần đây, việc mua bán quà tặng vẫn là điều cấm kỵ. Nhưng tình thế hiện tại có thể thúc đẩy thay đổi. Trong một nghiên cứu vào tháng 11 của công ty phân tích bán lẻ GlobalData cho thấy 77% người được hỏi đã lên kế hoạch mua ít nhất một món đồ cũ trong mùa lễ này. Nghiên cứu dự đoán người tiêu dùng sẽ chi 69,2 tỷ USD cho các mặt hàng đã qua sử dụng trong kỳ nghỉ lễ, tăng 24% so với năm ngoái. Lý do chính là tiết kiệm tiền, còn 10% cho biết làm như vậy vì khan hàng.
Nhiều người khác đang tranh thủ thời điểm này để kiếm chút tiền. Chị Rachel Friedman, sống ở Ann Arbor, Michigan đã lên Facebook để bán bớt đồ chơi của con, chỉ để "đơn giản hóa cuộc sống".
"Nghe về tình trạng khan hiếm đồ chơi thịnh hành, tôi nhận ra đây có thể là một cơ hội tuyệt vời", Ann nói. Cô mất nhiều thời gian chụp ảnh, liệt kê hàng, giao tiếp với người mua. Hiện Ann đã bán được sách, quần áo, các loại đồ chơi thời thượng của con trai. Cô dùng tất cả tiền bán được mua quà cho con.
Giáo sư Shawn M. Burn cho biết các bậc cha mẹ nên suy nghĩ nhiều hơn về hành vi tiêu dùng và tác động của nó đối với thế giới mà con cái chúng ta sẽ thừa hưởng. "Điều này sẽ mang đến sức mạnh để chống lại mô hình xã hội thiên về vật chất. Lúc đó cảm giác tặng quà đồ cũ sẽ không còn quá nặng nề", Shawn nói.
Bảo Nhiên (Theo Insider)