Edahn Golan - nhà sáng lập Edahn Golan Diamond Research & Data cho biết số giao dịch mua trang sức cao cấp tại Mỹ đã hồi phục và bắt đầu tăng tốc từ mùa hè, sau vài tháng đầu trì trệ vì đại dịch. Doanh số bán trang sức cao cấp tăng gần 10% lên 5,25 tỷ USD trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Signet Jewelers - công ty sở hữu và điều hành các chuỗi bán lẻ Kay Jewelers và Zales cho biết doanh số sơ bộ tháng 8 với tất cả các loại trang sức tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tiffany tuần trước cho biết doanh số tại Mỹ trong tháng 8 và 9 vẫn giảm hai chữ số, nhưng ở mức thấp hơn so với hồi tháng 5. Bộ sưu tập trang sức vàng và vàng đính kim cương mới nhất của hãng cũng bán khá chạy.
Ngành trang sức hồi sinh đúng thời điểm kinh tế Mỹ chững lại sau khi tăng trưởng mạnh vào mùa hè. Một số nhà kinh tế cho rằng đà phục hồi dường như đang theo hình chữ K. Nhóm giàu nhất đang nhanh chóng bật lại, trong khi nhóm thu nhập thấp và trung bình thì không.
Daniel Bachman - chuyên gia kinh tế tại Deloitte cho biết đại dịch đang giáng đòn không đồng đều lên thị trường lao động. "Nhóm dưới cùng chịu ảnh hưởng mạnh nhất, dĩ nhiên họ không mua trang sức rồi. Nhóm trên cùng thì đang ngồi trên cả núi tiền không được tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm giờ cũng đang rất cao nữa", ông nói.
Những người bán trang sức cho rằng họ biết lý do vì sao doanh số tăng trở lại. "Ở tất cả các thị trường trên thế giới, đối thủ số một với ngành này là du lịch", Stephen Lussier - Phó giám đốc hãng khai thác kim cương lớn nhất thế giới De Beers cho biết, "Nếu bạn kết hôn, làm kỷ niệm 10, 25 ngày cưới, hoặc tổ chức sinh nhật, điều lãng mạn thường thấy là cùng nhau du lịch". Nhưng giờ, khi không du lịch được nữa, người ta sẽ chuyển sang mua trang sức kim cương.
Tại Mỹ, kể từ tháng 7, thương hiệu trang sức bằng kim cương của De Beers Forevermark đã chứng kiến mức tăng hai chữ số mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái.
CEO Macy’s Jeffrey Gennette cũng nhấn mạnh tâm lý tương tự trong một hội thảo bán lẻ của Goldman Sachs hồi tháng 9, cho biết doanh số hàng xa xỉ đang "vượt xa kỳ vọng". "Có rất nhiều lý giải cho việc này. Tôi nghĩ rằng một trong số đó là khách hàng không đi du lịch nữa. Vì thế, số tiền lẽ ra dùng cho trải nghiệm này giờ được chuyển sang các sản phẩm khác", ông nói. Macy’s cũng cho biết khách hàng trong đại dịch "tăng mua trang sức một phần vì nó có thể cất trữ giá trị".
Signet Jewelers còn nhận thấy xu hướng này áp dụng cả với nhẫn đính hôn. Các cặp đôi không đi xa để làm lễ đính hôn được, "nên đầu tư vào một chiếc nhẫn thật xịn", Jamie Singleton - giám đốc các hãng bán lẻ trang sức Kay Jewelers và Zales cho biết.
Một hãng kinh doanh trang sức nhỏ hơn cho biết mọi thứ đang dần tốt đẹp sau vài tháng đầu năm bị tác động mạnh. Cũng như phần lớn các hãng bán lẻ khác, lệnh phong tỏa khiến Van Cott Jewelers - doanh nghiệp 100 năm tuổi ở New York phải tạm đóng cửa vào giữa tháng 3.
Họ mở cửa trở lại ngày 8/6. Kể từ đó, chủ doanh nghiệp này - Birdie Levine nhận thấy xu hướng mua trang sức kim cương tăng lên. "Từ tháng 7, doanh số kim cương cao cấp bắt đầu tăng. Chúng tôi bán được rất nhiều món trang sức có giá 20.000 USD, 30.000 USD và 40.000 USD", bà nói.
Levine cho biết người mua một là nâng cấp kim cương trong trang sức họ đang có, như nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới, hoặc mua một món hoàn toàn mới. Bà dự báo trang sức kim cương sẽ vẫn cháy hàng trong dịp nghỉ lễ. "Tôi đã chuẩn bị mua thêm nhiều kim cương nữa rồi", bà nói.
Hà Thu (theo CNN)