Một cuộc khảo sát mới về người Mỹ có ít nhất một triệu USD trong tài khoản môi giới và tự giao dịch cổ phiếu cho thấy phần lớn đang lạc quan về nền kinh tế và chứng khoán Mỹ. Vào quý cuối năm ngoái, điều này chưa xảy ra.
Thời điểm đó, ngay cả khi cổ phiếu tăng giá, các triệu phú vẫn thận trọng và có thể lo lắng về khả năng cổ phiếu lao dốc. Còn hiện tại, theo khảo sát hàng quý của E-Trade Financial, có đến 76% các nhà đầu tư giàu có đánh giá cao nền kinh tế Mỹ. Lượng nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ tăng 5% trong quý I/2020 tăng thêm 16%.
Nỗi lo về suy thoái kinh tế do đường cong lợi suất đảo ngược, tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và những thăng trầm trong cuộc chiến tranh thương mại tạo ra sự bất ổn trong phần lớn năm 2019, giờ không còn ảnh hưởng đến triển vọng của nhà đầu tư. Tỷ lệ nhà đầu tư tin rằng chu kỳ kinh doanh hiện đang được mở rộng lên tới 34%, từ mức 20% trong quý IV/2019. 54% cho rằng chu kỳ đang ở đỉnh.
"Các nhà đầu tư đang cởi mở hơn với rủi ro vào thời điểm này", Mike Loewengart, phó chủ tịch E-Trade cho rằng các nhà đầu tư đang muốn trở thành một phần của thị trường đang lên này.
29% phần trăm các nhà đầu tư có kế hoạch phân bổ lại danh mục đầu tư trong quý I/2020, tăng từ 21% trong quý IV/2019. Loewengart cho biết ngoài việc thị trường chứng khoán đang tăng cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ, có nhiều lý do khác cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư thoải mái.
Năm bầu cử có thể có nhiều biến động nhưng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhất quán trong nỗ lực đứng ngoài chính trị. Do vậy, Fed sẽ có động thái phù hợp trong năm nay, trong lúc cuộc chiến thương mại hạ nhiệt, thị trường lao động mạnh mẽ, số liệu tiêu dùng tốt. Tất cả đều chỉ ra các cơ hội cho thị trường chứng khoán. "Các nhà đầu tư triệu phú không muốn lỡ cơ hội này", ông Loewengart nói.
Tuy nhiên, có những lý do để thận trọng. Tỷ phú Tepper nói với CNBC rằng thị trường sẽ đến mức độ mà ông cũng sẽ chậm lại và thoát ra. S&P 500 đã không được định giá cao như vậy kể từ năm 2002. Năm ngoái, nó tăng chủ yếu vì cổ phiếu được định giá cao chứ không phải hiệu quả kinh doanh được cải thiện.
"Đến thời điểm này, tôi chưa thấy thu nhập theo cách có nghĩa", giáo sư tài chính Jeremy Siegel nói. Theo ông Siegel, thị trường đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn nếu bán tháo 10%.
"Bất cứ yếu tố nhỏ nào xảy ra cũng có thể tạo ra bất ổn. Vấn đề Iran đã hoàn toàn ổn chưa? Nó đã được giải quyết chưa? Chúng ta không còn gì phải lo lắng ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới phải chăng?", ông đặt vấn đề.
FaceSet cho hay, hơn 8% chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả hàng quý, và 72% trong số các công ty này đã công bố thu nhập tốt hơn mong đợi. "Chúng ta không có nhiều cách thể tăng trưởng thu nhập vào năm ngoái", Chris Marx, chuyên gia tại AllianceBernstein nói. "Nhưng chúng ta kỳ vọng tăng trưởng hợp lý nếu mọi người giữ vững tự tin và nhờ đó tạo điểm tựa cho thị trường", ông nói thêm.
Loewengart cho biết có những dấu hiệu lạc quan thận trọng trong khảo sát của E-Trade. Trong khi tỷ lệ các triệu phú kỳ vọng thị trường sẽ tăng trong quý này đạt 58%, tăng từ 42% trong quý 4 năm 2019 thì tỷ lệ những người đầu cơ kỳ vọng tăng nhiều nhất là 5% chiếm 45%. "Với tôi đó là một thực tế", ông nói.
Những người theo dõi thị trường sát sao cho biết nhóm cổ phiếu giá trị đã vượt trội hơn so với các cổ phiếu tăng trưởng trong những tháng gần đây, sau nhiều năm hoạt động kém hiệu quả. Các nhà đầu tư giàu có được khảo sát bởi E-Trade đang quan tâm hơn đến cổ tức bằng cổ phiếu (tăng từ 34% lên 41%) và ít quan tâm hơn đến thu nhập cố định (giảm từ 31% xuống còn 26%).
Công nghệ thông tin (49%) và chăm sóc sức khỏe (48%) vẫn là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư cho rằng có tiềm năng nhất. Khảo sát của E-Trade cũng cho thấy các nhà đầu tư cũng lạc quan hơn với cổ phiếu quốc tế, vốn không được quan tâm nhiều vào năm ngoái. 40% triệu phú cho biết các thị trường bên ngoài Mỹ hấp dẫn họ trong quý này, tăng từ 29% trong quý IV/2019.
Phiên An (theo CNBC)