Kinh tế Mỹ hơn một thập kỷ qua đặc trưng bởi việc người giàu ngày càng giàu lên và là động lực thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản xa xỉ tại Mỹ lại đang có năm tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Doanh số bán nhà tại các khu vực đắt đỏ, như Manhattan, giảm 6 quý liên tiếp. Theo Redfin, doanh số bán nhà giá 1,5 triệu USD trở lên tại Mỹ giảm 5% trong quý II. Các căn biệt thự và penthouse chưa bán được đang ngày một nhiều lên, đặc biệt tại các thị trấn nghỉ dưỡng sang trọng ở Aspen, Colorado và Hamptons.
Các hãng bán lẻ hàng cao cấp chịu thiệt hại nặng nhất. Barneys gần đây nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nordstrom đã 3 quý liên tiếp giảm doanh thu. Trong khi đó, Wal-Mart và Target - các chuỗi siêu thị cung cấp đồ bình dân, lại có lưu lượng khách và tăng trưởng mạnh hơn dự báo.
Các buổi đấu giá xe hơi Pebble Beach rất nổi tiếng vì thường xuyên lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, trong sự kiện tháng này, những chiếc xe đắt đỏ nhất lại ế ẩm. Chưa đầy một nửa xe được ra giá 1 triệu USD hoặc hơn tìm được chủ nhân. Trong khi đó, xe dưới 75.000 USD bán rất chạy.
Nửa đầu năm nay, doanh số bán tác phẩm nghệ thuật qua đấu giá cũng đi xuống lần đầu tiên trong nhiều năm. Doanh số tại Sotheby’s giảm 10%. Còn Christie’s giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có rất nhiều lý do cho việc giảm chi. Ví dụ như thuế thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động mua nhà. Nếu người giàu Mỹ tiếp tục giảm chi tiêu, tăng trưởng kinh tế có thể bị đe dọa nghiêm trọng. 10% người có thu nhập cao nhất nước này đóng góp gần nửa chi tiêu tiêu dùng, Mark Zandi - nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics cho biết. Dù vậy, chi tiêu của họ đã giảm dần trong 2 năm gần đây.
Ngược lại, số tiền tiết kiệm của họ lại tăng mạnh, hơn gấp đôi trong cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy người giàu đang tích trữ tiền mặt.
Ngược lại, những người có thu nhập trung bình lại đang chi tiêu nhiều hơn. Dù vậy, Zandi cho rằng "nếu tăng trưởng việc làm giảm sút, thất nghiệp sẽ tăng, khi đó ngay cả nhóm người có thu nhập trung bình cũng sẽ thắt lưng buộc bụng và gây ra suy thoái kinh tế".
Có hai lý do chính khiến tài sản của người giàu đi xuống: thị trường chứng khoán biến động và tăng trưởng toàn cầu yếu đi. Nhóm người giàu sở hữu khoảng 80% cổ phiếu tại Mỹ. Vì thế, họ chịu tác động mạnh từ diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Bên cạnh đó, rất nhiều người giàu có công ty làm ăn tại nước ngoài. Vì thế, các động thái của họ cũng là chỉ báo cơn bão suy giảm đang càn quét khắp thế giới.
Hà Thu (theo CNBC)