Sự biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát và lo ngại lãi suất tăng có thể giảm tốc tất cả thành phần của nền kinh tế, ngay cả nhu cầu đối với hàng xa xỉ. Gary Friedman - CEO hãng bán lẻ đồ nội thất cao cấp RH, cho biết "đã ghi nhận sự sụt giảm nhu cầu trong quý I, trùng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cuối tháng 2 và biến động thị trường sau đó". Theo ông, lạm phát đã thâm nhập mọi nơi, từ nhà hàng đến xe hơi và nhiều lĩnh vực khác.
Cổ phiếu của RH đã lao dốc vì những bình luận thận trọng và triển vọng yếu kém. Các công ty phục vụ người tiêu dùng giàu có khác cũng bắt đầu cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tiêu cực đang diễn ra trên thế giới.
"Thị trường đang trải qua biến động chưa từng có, do tác động của một số thách thức địa chính trị và kinh tế vĩ mô. Đó là chiến sự ở Ukraine và áp lực lạm phát tác động đến hoạt động kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng", Stefan Larsson - CEO PVH, công ty sở hữu các thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein, đánh giá.
Larsson nói thêm rằng công ty sẽ "tiếp tục phải đối phó với các đợt bùng phát đại dịch mới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở Bắc Mỹ".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích Phố Wall vẫn lạc quan rằng các công ty xa xỉ sẽ tiếp tục kinh doanh tốt. "Họ vẫn có thể tiếp tục tăng giá mà không làm giảm nhu cầu. Biên lợi nhuận sẽ vẫn được duy trì mức cao. Họ cũng sẽ có thêm động lực nếu du lịch quốc tế quay trở lại mức trước đại dịch", Zachary Warring, Nhà phân tích của CFRA Research, cho biết.
Ông ví dụ nhà sản xuất áo parka đắt tiền Canada Goose và hãng đồ thể thao Lululemon là hai công ty có thể kinh doanh tốt ngay cả khi lo ngại lạm phát vẫn còn. Cổ phiếu của Lululemon đã tăng vọt vào tuần trước, sau khi công bố báo cáo tài chính lạc quan.
Những lo lắng về suy thoái ở Mỹ cũng có thể bị thổi phồng quá mức. "Chúng tôi không nhận thấy viễn cảnh ảm đạm nào đối với hàng xa xỉ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe được tin tức về các kịch bản sụt giảm doanh số nghiêm trọng ở Mỹ", Erwan Rambourg, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của HSBC, cho biết.
Ông cũng cho rằng gã khổng lồ hàng xa xỉ LVMH sẽ gây ấn tượng với các nhà đầu tư khi công bố báo cáo tài chính cuối tháng này. Theo ông, doanh số bán hàng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn ổn định, trừ Trung Quốc. "Thị trường duy nhất mà chúng tôi dự báo tăng trưởng giảm đi một chút là Trung Quốc đại lục", ông nói. Nguyên nhân là các đợt phong tỏa có thể ảnh hưởng đến nhu cầu xa xỉ.
Tuy nhiên, Rambourg cũng không loại trừ khả năng thị trường toàn cầu suy thoái và kinh tế yếu đi sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng xa xỉ. Trong phân tích của mình, ông cho rằng giá cổ phiếu giảm mạnh hơn nữa và xung đột kéo dài ở Ukraine là những rủi ro chính mà các công ty kinh doanh hàng cao cấp phải đối mặt.
Phiên An (theo CNN)