Thứ hai, 25/11/2024
Chủ nhật, 18/2/2018, 00:00 (GMT+7)

Nhà giam trăm tuổi trong bệnh viện ở Sài Gòn

Trong khuôn viên Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM có nhà giam từ thời Pháp, nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng.

Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM (tên khác là Chợ Quán) - bệnh viện lâu đời nhất Sài Gòn, được xây dựng năm 1862. Trong khuôn viên bệnh viện còn có một khu nhà tù thời Pháp để giam giữ những tù nhân chính trị.

Khu nhà giam được xây dựng năm 1875, mục đích ban đầu nhằm giam những người bị tâm thần. Sau này, vì cần khai thác tin tức nên thực dân Pháp đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi.

Hiện, trại giam vẫn còn nguyên vẹn sau gần 150 năm tồn tại. Khu nhà giam được chia thanh hai khu của tù nhân nam và nữ, gồm nhiều phòng giam cá nhân, tập thể.

Từ cửa trại giam đi vào là phòng giam lớn có diện tích hơn 30 m2, giam khoảng 20 người.

Những phòng giam cá nhân có diện tích chỉ khoảng 2 m2. Không gian phòng đều nhỏ hẹp, ẩm thấp với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Trong mỗi phòng có bục để nằm.

Thời Pháp các bục được làm bằng gỗ, sau này được làm bằng xi măng lót gạch bông. Ngày nay, di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân.

Tường nhà giam cao 4 m, được xây chắc chắn, dày 0,4 m, nền nhà xây gạch tàu, trên các cửa sổ đều có lưới sắt giăng thành hai lớp.

Bên ngoài nhà tù có tháp canh, trên tường có những khe nhỏ để theo dõi phạm nhân, trên nóc phòng có giăng lưới sắt.

Nơi vệ sinh, tắm rửa nằm cuối khu trại giam có không gian nhỏ hẹp.

Bể chứa nước sinh hoạt có thể tích nhỏ nhưng phải phục vụ nhu cầu thiết yếu của hàng trăm người tù.

Đây là nơi Tổng bí thư Trần Phú bị giam giữ từ ngày 28/8/1931. Ngày 6/9/1931, ông mất trong nhà tù vì bệnh lao phát nặng. Hiện, ở phòng giam được đặt di ảnh ông, bình hoa một cách trang trọng.

Nhiều chiến sĩ cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi... cũng từng bị giam giữ ở đây.

Năm 1988, khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử. Quận 5 đã đầu tư gần 700 triệu đồng để trùng tu giai di tích trại giam, làm địa điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Quỳnh Trần