![]() |
Bức tượng Phật khổng lồ được xây vào năm 713, thuộc triều đại nhà Đường. Ảnh: AFP. |
Nổi tiếng bởi sự nở rộ các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị cùng với sự giàu có do giao thương với Ấn Độ và Trung Đông, triều đại nhà Đường đã kéo dài qua 3 thế kỷ, từ năm 619 tới năm 907, trước khi bị chìm trong các cuộc nổi loạn.
Các nhà khoa học do Gerald Haug (tại Viện GFS ở Potsdam, Đức) đứng đầu đã tìm hiểu những khối trầm tích lấy từ hồ ở Zhanjiang, đông bắc Trung Quốc, đối diện với đảo Hải Nam. Họ phát hiện thấy trong 15.000 năm qua, đã có 3 giai đoạn gió mùa mạnh vào mùa đông nhưng yếu vào mùa hè.
Hai giai đoạn đầu xảy ra vào thời điểm quan trọng ở cuối kỷ Băng Hà, trong khi giai đoạn cuối xảy ra từ năm 700 tới 900. Mỗi sự chuyển dịch gió mùa này trùng hợp với thời tiết lạnh bất thường.
Thời kỳ thoái trào của triều đại nhà Đường bắt đầu vào năm 751, khi quân đội hoàng cung bị đánh bại bởi quân Ả rập. Nhưng điều thực sự phá huỷ triều đại này là những đợt hạn hán kéo dài và lượng mưa quá ít vào mùa hè, khiến cho mùa màng thất bát và làm dấy lên các cuộc nổi dậy của nông dân. Cuối cùng, những cuộc nổi loạn này đã dẫn tới sự sụp đổ của triều đại vào năm 907.
Nhóm của Haug cho rằng, sự chuyển dịch lượng mưa này xảy ra ở cả hai bên của Thái Bình Dương, không chỉ ở vùng biển Đông Á. Sự suy giảm lượng mưa xảy ra ở Trung Mỹ cũng phá huỷ nền văn minh Maya, cũng ở thời gian này. Cuộc so sánh trữ lượng titanium ở hồ Huguangyan ở tỉnh Quảng Đông và lưu vực Cariaco ở Venezuela đã cho ra những sự tương đồng kinh ngạc. Cả hai đều chỉ ra sự chuyển dịch sang khí hậu khô hanh hơn vào khoảng năm 750, và trong giai đoạn này, lượng mưa rất thấp.
M.T. (theo AFP)