![]() |
Ông Phan Bảo Tâm cùng lô hàng sắp xuất khẩu. |
Được bầu làm Chủ tịch xã năm 1990, ông Phan Bảo Tâm, trước đó là Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa cán bộ huyện, thấy rằng chỉ có làm kinh doanh mới có thể thoát khỏi đói nghèo và có cơ hội đổi đời. Tháng 3/1993, ông xin tạm ngưng công tác chủ tịch xã để lên TP Hồ Chí Minh hợp tác với một người bạn mở cơ sở sản xuất nước tương, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Khi ra đi lưng vốn chỉ có 4 triệu đồng và một chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Gần một năm sau, làm ăn thua lỗ, người bạn bỏ cuộc, cơ sở đóng cửa, kiểm lại số vốn ban đầu chỉ còn một triệu đồng. Thất bại bước đầu làm ý chí lung lay, ông đã muốn quay về quê cam chịu số phận. Thế nhưng nghĩ đến người vợ đã yêu thương tin tưởng mình, cộng với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, ông vẫn không chịu thua cuộc. Được UBND phường 14, quận 8 cho thuê mặt bằng đang bỏ trống, ông dựng lại cơ sở mới bằng vật liệu tre nứa và giấy dầu, tiếp tục sản xuất. Lúc này cơ sở chỉ có hai người là ông Tâm và một người cháu họ.
Lúc này, ông hiểu rằng thất bại trước đây là do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên chất lượng nước tương không ổn định, không có nơi nhận tiêu thụ nên sản phẩm không đến được với người tiêu dùng. Ông đã bỏ thời gian, công sức, học hỏi các kỹ sư hóa thực phẩm và sách vở, dần dần tìm được công thức sản xuất nước tương với chất lượng tốt, ổn định (thương hiệu nước chấm Mêkông).
Để xây dựng mạng lưới tiêu thụ, những ngày đầu ông và người cháu chịu khó mang hàng đến tận các chợ bán lẻ và chợ đầu mối để ký gửi, giới thiệu sản phẩm. Ông Tâm nhớ lại, thời gian đó nước chấm Mêkông hiệu Đầu bếp chưa có mấy người biết đến, một số tiểu thương không cho gửi vì sợ chiếm sạp lại mất công dọn dẹp, nhưng cũng có nhiều người nhận ký gửi và lần hồi đặt hàng nhiều hơn.
Khi đã được thị trường chấp nhận bước đầu, ông Tâm quyết định tung chiêu khuyến mãi: hai mươi xâu nước tương trị giá 450.000 đồng, tặng người bán một đồng hồ treo tường trị giá 60.000 đồng. Có thể nói, cơ sở Mêkông là đơn vị đầu tiên trong "làng nước chấm" lúc bấy giờ có khuyến mãi. Lúc đó hầu như mẫu mã phổ biến của chai nước tương chỉ là loại 500 ml. Sau đó, ông Tâm và các cộng sự đã nghiên cứu đưa ra nhiều loại mẫu mã mới, được khách hàng ưa chuộng.
Giữa năm 1994, một Việt kiều sinh sống ở Ba Lan tình cờ biết đến nước chấm Mêkông và đề nghị hợp tác, xuất khẩu sang Ba Lan. Cuối năm 1994, lô hàng đầu tiên của Mêkông được xuất khẩu. Ông Tâm còn nhớ rõ lô hàng này là nước tương 18 độ đạm gồm 5.000 chai 500 ml, 10.000 chai 300 ml và 10.000 chai 200 ml. Tổng giá trị tương đương toàn bộ doanh thu của cơ sở trên thị trường trong nước lúc đó.
Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng ông lại tính đến mở rộng thị phần trong nước. Qua các chợ đầu mối, sản phẩm Mêkông được tiêu thụ ngày càng nhiều ở các tỉnh. Nhiều nơi đã liên hệ đề nghị ký hợp đồng làm đại lý phân phối sản phẩm nước chấm Mêkông tại địa phương. Hiện nay cơ sở đã có đội xe chuyên dụng để giao hàng tận nơi cho các đại lý ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Công việc làm ăn ngày càng phát triển, ông lại tính đến chuyện mở rộng cơ sở. Năm 1995 ông mua một miếng đất diện tích hơn 2.000 m2 tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh để xây dựng cơ sở mới và năm 1997 chính thức về đây. Đánh dấu ngày chuyển cơ sở về Bình Chánh, ông đã tung ra thị trường loại nước tương 22 độ đạm đóng chai 100 ml, 200 ml và 500 ml với các kiểu dáng chai mới lạ.
Đầu năm 2001, một người bạn ông đang định cư ở Mỹ về nước, biết sản phẩm của ông nên đã gợi ý ông gửi một lô hàng 22 độ đạm gồm các loại chai sang thăm dò thị trường Mỹ thông qua bạn bè.
Được người tiêu dùng bình chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2001, ông Tâm lại tung ra loại chai 650 ml, nước tương cao cấp 22 độ đạm và khai trương phân xưởng mới rộng khoảng 1.200 m2 cũng tại xã Bình Trị Đông với dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín.
Trong vòng 7 năm, từ gian lều tranh tre nứa lá ở Q. 8, nay Cơ sở sản xuất nước tương Mêkông đã có hơn 100 công nhân, trong đó một nửa tuyển từ vùng quê nghèo và một nửa là công nhân địa phương.
(Theo TBKTSG)