Nhà điều hành Nord Stream, đường ống dẫn khí nối từ Nga sang châu Âu, ngày 29/9 cho biết "dự định bắt đầu đánh giá thiệt hại với đường ống ngay khi nhận được giấy phép". Công ty cho hay chỉ có thể tiếp cận "sau khi áp suất trong đường ống ổn định và khí ngừng rò rỉ".
"Trước khi hoàn thành đánh giá thiệt hại, chúng tôi không thể dự đoán khung thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng dẫn khí", nhà điều hành Nord Stream, doanh nghiệp thuộc công ty mà tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga sở hữu đa số, cho hay.
Giới chức Thụy Điển ngày 26/9 thông báo về hai vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1, một nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Đan Mạch, một trong EEZ Thụy Điển, cùng một vị trí rò rỉ trên Nord Stream 2 gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Cảnh sát biển Thụy Điển hôm 29/9 phát hiện lỗ thủng thứ tư trong hệ thống Nord Stream, nằm trên đường ống Nord Stream 2.
Giới chức Thụy Điển cho biết họ phát hiện hai vụ nổ dưới lòng biển trước khi Nord Stream 1 bị rò rỉ. Một nguồn tin quốc phòng Anh cho rằng đây là hành vi có tính toán trước, thủ phạm có thể dùng thủy lôi thả từ tàu hoặc thiết bị không người lái xuống gần đường ống rồi kích nổ. NATO tuyên bố đường ống thiệt hại là "kết quả của hành động phá hoại có chủ ý, liều lĩnh và vô trách nhiệm", khẳng định sẽ hỗ trợ điều tra xác định nguồn gốc gây thiệt hại.
Nga phủ nhận đứng sau vụ nổ, cho rằng một quốc gia nước ngoài phải chịu trách nhiệm. Tổng thống Putin đổ lỗi các vụ rò rỉ do "chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Ông gọi đây là vụ "phá hoại chưa từng có" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/9.
Cơ quan an ninh Nga thông báo mở điều tra "khủng bố quốc tế" vụ rò rỉ, khẳng định sự việc "gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Nga". Moskva ngày 28/9 ám chỉ Washington đứng sau vụ rò rỉ nhưng Mỹ bác bỏ. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào 30/9 để thảo luận vấn đề này.
Theo các tổ chức khí hậu, hai đường ống Nord Stream 1 và 2 chứa khoảng 350.000 tấn khí metan. Tổ chức Hòa bình Xanh cho hay vụ rò rỉ có thể xả gần 30 triệu tấn CO2, tương đương hơn 2/3 lượng khí thải hàng năm của Đan Mạch, ra môi trường.
Hồng Hạnh (Theo AFP)