Sáng Chủ nhật (8/4), hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi). Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.
Theo cộng đồng những người tẩy chay và tố cáo iFan và Pincoin, cách thức tham gia kênh đầu tư tiền ảo này na ná mô hình kinh doanh đa cấp. Công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư mua tiền ảo iFan và Pincoin rằng khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Ông Quang đã rót vốn vào iFan ngay từ những ngày đầu ICO (huy động vốn) cho biết, từ tháng 10/2017 ông đầu tư 2.000 USD để mua tiền ảo này với giá 1,6 USD một coin và được trả lãi vào tháng 12/2017. Cách thức tham gia là đi dự sự kiện giới thiệu về mô hình đầu tư, sau đó đăng ký tham gia với môi giới cấp một.
Những người môi giới này được xếp vào nhóm leader sẽ nhận tiền của nhà đầu tư chuyển khoản qua ngân hàng theo cú pháp là một dãy mã số kèm tên của nhà đầu tư. Người tham gia được xếp theo cấp độ tùy vào dòng vốn góp và gia nhập nhóm kín (group), người ngoài group sẽ không có cách nào tiếp cận được thông tin để đầu tư Ifan.
Sau khi nhận được lãi, ông Quang tin tưởng nên tiếp tục mua thêm hơn 3.000 USD nữa. Tổng số tiền nhà đầu tư này rót vào iFan là 130 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ cột mốc cuối năm 2017 bước sang đầu năm 2018, tình trạng trả lãi của đồng iFan ngày càng ì ạch, lắm khi chẳng nhận được đồng nào. Ông Quang phản ánh việc này và lập tức đã bị loại khỏi group. Sau đó ông nhận được thông báo iFan không trả lãi nữa và cũng không thể rút tiền về.
Mức bồi thường được quy ra tiền mặt là 9,9 triệu đồng trong khi tổng số vốn đầu tư hơn 130 triệu đồng nên ông Quang từ chối nhận. Nhà đầu tư này chọn cách tố cáo Công ty Modern Tech và lôi vụ việc ra ánh sáng.
Công ty cổ phần Modern Tech thành lập cuối tháng 10/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính là thiết kế website, lập trình máy tính, sản xuất phần mềm và tư vấn đầu tư. 8 cổ đông sáng lập hiện chia đều tỷ lệ sở hữu khoảng 12-15% mỗi người. Trước những tố cáo của nhà đầu tư iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác, Modern Tech vẫn chưa có động thái phản hồi.
Ngoài việc tố cáo Modern Tech, cộng đồng nhà đầu tư iFan cũng lan truyền đi thông điệp tẩy chay ông Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “scam”), người thường xuất hiện trong các sự kiện quảng bá iFan với phong cách như bản sao của mô hình buôn hàng đa cấp.
Trong một sự kiện giới thiệu đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2017, ông Tuấn xưng là thủ lĩnh của iFan, khẳng định bản thân là nhà đầu tư chuyên nghiệp và chỉ mất một tuần để xây dựng cộng đồng khoảng 30.000 thành viên.
“Hệ thống này mang về cho cá nhân Tuấn mỗi ngày khoảng 20.000 USD. Điểm yếu duy nhất của hệ thống là những người tuyến trên không làm gì nhưng vẫn kiếm được rất nhiều tiền”, Tuấn chào mời và cam kết mang về cho nhà đầu tư rót vốn vào đồng tiền ảo này lợi nhuận khổng lồ.
Theo ông Tuấn, iFan có nhiều gói thưởng định kỳ hàng ngày, tuần và tháng hấp dẫn cho nhà đầu tư. Đơn cử như gói đầu tư thấp nhất từ 100-1.000 USD, nhà đầu tư được cam kết lợi nhuận tối đa đến 48% mỗi tháng và nhận lại tiền gốc sau bốn tháng. Lợi nhuận tăng thêm cấp số cộng 3% cho mỗi gói đầu tư 5.000 USD, 10.000 USD kèm theo thời gian hoàn vốn được rút ngắn.
“Nếu kêu gọi thêm anh A, chị B tham gia vào hệ thống của chúng ta thì anh chị sẽ hưởng thêm tiền thưởng 8% trên doanh số của họ. Đây là chính sách trả thưởng hệ thống tuyệt vời nhất trên thị trường hiện nay”, ông Tuấn tuyên bố.
Ngoài thưởng tiền mặt, iFan hứa hẹn chính sách thưởng bằng hiện vật hấp dẫn. Theo đó, mỗi nhà đầu tư môi giới thành công và mang về doanh số 100.000 đến 400.000 USD trong vòng hai tháng sẽ nhận được đồ điện tử, voucher du lịch nước ngoài; nếu mang về hàng triệu USD thì phần thưởng là ôtô hoặc một căn hộ và "quốc tịch" tại Australia, châu Âu….
Nhiều nhà đầu tư không hề ký bất cứ một hợp đồng nào với iFan, Pincoin hay đơn vị đại diện là Modern Tech nhưng đã xem cách "truyền lửa" của Tuấn như những cam kết chắc chắn về lợi nhuận mà tiền ảo mang lại.
*Một buổi giới thiệu kêu gọi đầu tư vào iFan
Ifan, Pincoin hay một cái tên khác như Davor, chỉ là một lát cắt mỏng trong danh sách những đồng tiền ảo có nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) mới nổi lên tại Việt Nam từ cuối năm 2017. Sau một thời gian ngắn được trả lãi, những đồng tiền ảo này đã lần lượt biến mất vì bị xét vào nhóm tiền ảo rác, không có giá trị giao dịch quốc tế, dẫn đến sụp đổ. Nhà đầu tư nhóm tiền rác này chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc người dân đã đưa tiền vào dự án iFan có lấy lại được không sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra. Tuy nhiên, ông cho rằng rất khó lấy lại. Vì đa phần tiền thật nộp vào bằng tài khoản ảo trên điện thoại, máy tính chứ không qua hợp đồng, giấy tờ gì. Và tiền này sẽ được nhóm lừa đảo kia chuyển đổi ra ngoại tệ để tẩu tán rất nhanh ra nước ngoài, có thể không còn ở Việt Nam.
Theo chuyên gia này, với quy mô lừa đảo lớn như vậy, chắc chắn sẽ để lại dấu vết. Trừ trường hợp nộp tiền mặt, những người tham gia có thể vẫn lưu lại vài bằng chứng như giấy chuyển tiền qua ngân hàng, đã nộp bao nhiêu, ngày giờ nào… (mặc dù tài khoản nhận có thể đã khoá ngay sau khi nhận được tiền), để thu thập bằng chứng chứng minh sự lừa đảo. “Nhưng để cơ quan công an điều tra ra dòng tiền và thu hồi là không dễ”, ông Hiếu nói.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định những đồng tiền ảo không phải là tiền tệ cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. "Chúng tôi đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này", ông Minh nói.
Theo Ngân hàng nhà nước, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đây là nội dung quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). |
Nhóm phóng viên