Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch cuối tháng 1 với hàng loạt kỷ lục. VN-Index mất hơn 73 điểm, tương ứng 6,67% trong phiên 28/1 do áp lực bán tháo của nhà đầu tư vì chuỗi giảm mạnh trước đó, cộng hưởng cùng thông tin về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được công bố. Số lượng cổ phiếu giảm hết biên độ lên đến 276 mã, trong đó một số thời điểm tất cả cổ phiếu thuộc rổ VN30 chuyển sang màu xanh dương và trắng bên mua.
Bốn phiên giảm và một phiên tăng khiến VN-Index bị "thổi bay" hơn 110 điểm, tương ứng 9,44%. Việt Nam qua đó trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong tuần qua.
Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia đều kỳ vọng phiên đi lên cuối tuần rồi với mức tăng tốt nhất kể từ đáy cuối tháng 7/2020 sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho tuần giao dịch đầu tháng 2. Thị trường vì thế có thể hồi phục dần, nhất là khi nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại sau đợt xả hàng quyết liệt, cộng thêm khối ngoại liên tiếp mua ròng.
"Sự thay máu dòng tiền đã diễn ra nên mức độ bền vững của thị trường tăng lên. Rủi ro bán đổ, bán tháo như tuần trước sẽ không còn", ông Châu Phạm – Chuyên viên phân tích cấp cao của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định.
Theo ông Châu, nhà đầu tư trong nước đã phản ứng mạnh với thông tin các ca nhiễm trước khi hiểu rằng Covid-19 chỉ mang tính sự kiện hơn là vấn đề cốt lõi tác động đến VN-Index. Nhiều khả năng nền giá vững chắc quanh 1.100 điểm đã được xây nếu không có thông tin này. Bây giờ, thị trường sẽ mất thêm thời gian để thực hiện điều đó.
Vì đây là tuần giao dịch trọn vẹn trước Tết Nguyên đán nên chuyên gia của HSC dự báo nhịp độ giao dịch sẽ giảm dần. Thị trường khó xuất hiện nhịp tăng hình chữ V hay các lệnh đua trần, thay vào đó sẽ dao động trong biên độ hẹp.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng môi giới khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, theo thông lệ khoảng 5 phiên trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết, thị trường sẽ bắt đầu giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Nguyên nhân là nhà đầu tư không mặn mà nắm giữ xuyên Tết vì không biết được trong giai đoạn đó sẽ xuất hiện những biến cố nào có thể ảnh hưởng đến thị trường, như đã xảy ra đầu năm 2020.
"Xu hướng dài hạn vẫn tốt nhưng áp lực chốt lời còn trong 2-3 phiên đầu tuần này, sau đó hạ nhiệt dần", ông Phước nhận định.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) ủng hộ quan điểm thị trường có thể tạo lập vùng giá cân bằng trong 2-3 phiên sắp tới. Điều này dựa trên các động lực chính là lượng cổ phiếu ký quỹ được rũ bỏ đáng kể so với đỉnh điểm khi VN-Index lên 1.200 điểm, nhà đầu tư hết hoang mang và dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường khi dư địa giảm lãi suất tiền gửi vẫn còn.
"Chúng tôi cho rằng VN-Index có thể kiểm định mức kháng cự ngắn hạn 1.100 điểm trong các phiên đầu tuần", nhóm phân tích viết.
Vì thị trường mới xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, trong khi rủi ro tương đối cao và chưa hình thành dấu hiệu đảo chiều hoàn toàn nên chỉ khi VN-Index đủ sức vượt trên 1.100 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể được xác lập trở lại.
Trong quá trình chinh phục vùng kháng cự này, thị trường có thể xuất hiện một vài nhịp rung lắc mạnh. Vì thế, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao được các công ty chứng khoán khuyến nghị tận dụng các nhịp hồi để tiếp tục giải ngân vị thế ngắn hạn, đưa danh mục về mức an toàn.
Phương Đông