VN-Index tuần này mất gần 150 điểm trong bối cảnh tâm lý thị trường ngày càng bi quan, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài quan sát thị trường. Thực tế là cá nhân trong nước đã rút ròng hơn 3.400 tỷ đồng và con số này phần lớn được hấp thụ bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Khối ngoại đã giải ngân 9.750 tỷ đồng trong khi bán ra chưa đến 8.100 tỷ đồng, đồng nghĩa giá trị mua ròng xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Đây là đợt mua ròng mạnh nhất trong vòng ba tuần trở lại đây của nhà đầu tư nước ngoài.
Khối ngoại mua ròng ba trong số năm phiên giao dịch, trong đó một phiên hơn 700 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND thu hút dòng tiền nhiều nhất với giá trị mua ròng xấp xỉ 650 tỷ đồng, tiếp đến là DGC, CTG VHM, NLG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung xả hàng những cổ phiếu vốn hoá lớn như HPG và NVL.
P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa thị giá và thu nhập trên một cổ phiếu) của VN-Index về mức trung bình 10 năm, theo nhận định của một số nhóm phân tích, là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tích luỹ cổ phiếu. Việt Nam trở thành một trong số ít các thị trường ghi nhận dòng tiền đổ vào mạnh hơn rút ra, ngược chiều với nhiều thị trường lớn của châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.
"Định giá tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác cùng nỗ lực giúp cải thiện tính manh bạch của chứng khoán Việt Nam, cũng như đạt các tiêu chuẩn để nâng hạng lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại trong tương lai gần", báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) viết.
Từ khi VN-Index thiết lập đỉnh 1.524 điểm vào đầu tháng 4 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam gần 50.000 tỷ đồng và bán 44.800 tỷ đồng, tức giá trị mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm thì khối ngoại lại bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng.
Phương Đông