Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua vào khoảng 970 tỷ đồng và bán ra xấp xỉ 1.140 tỷ đồng, qua đó nối dài mạch bán ròng 24 phiên. Tổng giá trị mua và bán trong giai đoạn này lần lượt khoảng 18.300 tỷ đồng và 25.500 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng hơn 7.200 tỷ đồng.
Luỹ kế từ đầu năm, khối ngoại đã rút khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương 440 triệu USD) khỏi thị trường. Nếu loại trừ giao dịch thoả thuận cổ phiếu Vinhomes, lượng tiền rút ròng lên đến 1,3 tỷ USD. Các cổ phiếu bị xả hàng nhiều nhất đều thuộc rổ vốn hoá lớn như VIC, HPG, MSN, VNM...
"Xu thế này bắt nguồn từ việc dòng tiền không ngừng chảy về những thị trường có lợi nhuận cao hơn", ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định.
Theo ông Minh, Mỹ đang là điểm đến hấp dẫn nhất. VN-Index tuần trước mới trở lại vùng giá cuối năm 2019 sau giai đoạn giảm sâu vì dịch bệnh thì S&P 500 Index đã tăng 4,4%, còn chỉ số liên quan đến yếu tố Trung Quốc là S&P/BNY China Select ADR tăng trên 27%. Thị trường chứng khoán Mỹ năm nay cũng có thêm nhiều "mặt hàng" hấp dẫn, thể hiện qua việc khoảng 30 công ty Trung Quốc dự kiến IPO tại đây.
Giả định không xuất hiện các giao dịch đột biến trong tuần này, khối ngoại sẽ có tháng thứ 7 bán ròng kể từ đầu năm. Làn sóng bán ròng không chỉ kéo dài ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại nhiều thị trường châu Á khi nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro vẫn nhiều hơn cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Việt Nam là thị trường chịu áp lực xả hàng ít nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các thị trường khác như Malaysia, Philippines hay Indonesia đều có mức bán ròng trên 2 tỷ USD. Cá biệt tại Thái Lan thì con số này lên đến 9,2 tỷ USD.
Với quan điểm tích cực, ông Minh kỳ vọng xu thế này sẽ hạ nhiệt khi Việt Nam ngày càng cho thấy khả năng hồi phục tốt của nền kinh tế và MSCI tái cơ cấu danh mục theo hướng nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sau khi Kuwait được nâng hạng.
Phương Đông