Thông tin trên được đưa ra tại buổi đối thoại cấp cao lần thứ hai về hợp tác công - tư (PPP) giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) diễn ra sáng nay (16/7). Theo ông Hiroshi Wantanabe - Tổng giám đốc JBIC, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian qua, song những rủi ro về tỷ giá và hạn chế trong chuyển đổi ngoại tệ vẫn là rào cản đối với các nhà đầu tư tư nhân muốn tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
"Nhà đầu tư có thể cân nhắc đưa yếu tố biến động tỷ giá vào hợp đồng chào bán sản phẩm, song sẽ khiến cho giá bán cao hơn. Trong khi với PPP, rủi ro cần phân bổ cho bên có thể xử lý tốt nhất, do vậy phía Việt Nam nên cân nhắc có khuôn khổ phù hợp để đảm bảo hạn chế rủi ro ngoại hối", đại diện đoàn Nhật Bản cho biết.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sự ổn định cũng như tính dễ tiên liệu của tỷ giá. Ông Wantanabe nhận định nếu chính sách thay đổi và không có những dự báo trước, nhà đầu tư khó tính toán tỷ suất lợi nhuận và đưa ra các biện pháp ứng phó. "Khung pháp lý ổn định giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn, có tính toán lâu dài hơn", vị này phát biểu.
Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cho biết khi đầu tư vào các dự án nhiệt điện tại Việt Nam, chủ đầu tư phải đi vay bằng ngoại tệ và trả nợ cũng như lãi bằng chính đồng tiền đó. Tuy nhiên, sau khi bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), doanh thu nhận được là VND nên các tổ chức này phải tiến hành chuyển đổi sang ngoại tệ. Song, cơ chế chuyển đổi hiện nay còn hạn chế, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
"Đây là lý do tại sao các tổ chức nước ngoài khăng khăng đòi phía Việt Nam bảo lãnh hoàn toàn việc chuyển đổi đồng tiền. Các tổ chức tài chính quốc tế không thể đảm nhận tốt việc chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường bằng chính các cơ quan Việt Nam. Do vậy, mong các cơ quan chức năng xem xét lại điều này để có những quy định hợp lý", đại diện Nhật Bản cho hay..
Trước vấn đề này, ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đầu thấu cho biết trách nhiệm chuyển đổi ngoại tệ đã được phía Việt Nam xem xét và đưa vào Nghị định về PPP. Tuy nhiên, việc đảm bảo tỷ giá sẽ phải cân nhắc.
"Chúng tôi đã tham khảo nhiều nhà đầu tư và luật thì không ai đảm bảo ổn định tỷ giá ngoại tệ sau 40 năm. Nhà đầu tư phải luôn tính đến rủi ro, làm sao Nhà nước có thể chịu được việc duy trì tỷ giá suốt 40 năm", ông Tăng phát biểu. Để đảm bảo quyền lợi của các bên, vị này nhấn mạnh cần có sự chia sẻ rủi ro, trong đó chủ đầu tư có thể tính các chi phí khi tỷ giá biến động vào hợp đồng. Trường hợp đặc biệt sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng đánh giá thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ổn định tốt thị trường ngoại hối trong nước, các tổ chức nước ngoài cũng tự mua được ngoại tệ trên thị trường mà không phải lệ thuộc nhiều vào Ngân hàng Nhà nước.
Trong tổng số 500 triệu USD cần giải ngân cho các dự án, vị này cho biết năm 2013 Ngân hàng Nhà nước chỉ phải đáp ứng 100 triệu USD và 6 tháng đầu năm nay là 50 triệu USD. "Điều này cho thấy các nhà đầu tư tự mua được ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại mà không cần Ngân hàng Nhà nước can thiệp. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là ổn định tỷ giá và thực tế cho thấy thị trường ngoại hối thời gian qua đã có những tiến triển và ổn định vững chắc", đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Tại buổi đối thoại, nhà đầu tư Nhật Bản cũng kiến nghị Nghị định PPP mới cần tạo một cơ chế linh hoạt, thống nhất để nhà đầu tư có thể dễ dàng phản ứng trước mọi trường hợp. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư cũng cần minh bạch rõ ràng và có những đầu mối giải quyết những khó khăn cho nhà đầu tư, tránh việc họ phải đến gõ cửa từng cơ quan để xin giải đáp thắc mắc.
Hiện Nhật Bản là nhà tài trợ vốn song phương lớn nhất cho Việt Nam, chủ yếu vào các dự án cơ sở hạ tầng. Theo lãnh đạo JBIC, hiện có 3 dự án nhiệt điện theo hình thức BOT (xây dựng - quản lý - chuyển giao) mà nhà đầu tư Nhật Bản đang xem xét triển khai tại Việt Nam, đó là Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2 và Vân Phong 1. Việc các nhà máy nhiệt điện này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu điện năng tại Việt Nam khi kinh tế tăng trưởng và đời sống người dân được cải thiện.
Trao đổi với VnExpress.net về những biện pháp nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình đấu thầu các dự án BOT, ông Lê Văn Tăng cho biết quy định của Luật đấu thầu và Nghị định mới ban hành cho phép cơ quan quản lý can thiệp ngay vào quá trình đấu thầu nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực hoặc dư luận phản ánh. "Trước đây chúng ta quy định khép kín, từ lúc phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có kết quả đấu thầu là bí mật, chỉ có chủ đầu tư được xem xét hồ sơ. Nhưng quy định mới là chỉ bí mật với người không liên quan, còn với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm toán thì khi có vấn đề hoàn toàn có thể can thiệp ngay trong lúc đang đấu thầu, yêu cầu cung cấp hồ sơ, cử người xuống giám sát trực tiếp...", ông Tăng nói. |
Phương Linh