Số liệu công bố hôm thứ Sáu của Trung Quốc cho thấy, các nhà đầu tư đã bán phá giá 51,8 tỷ nhân dân tệ tương đương 8,1 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc được định giá bằng đồng nhân dân tệ trong tháng 3.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại cũng bán ra nhiều loại trái phiếu đồng nhân dân tệ khác tương đương khoảng 6,2 tỷ USD trái phiếu phát hành bởi các ngân hàng. Tháng 3 là tháng thứ 2 liên tiếp và là tháng ghi nhận mức rút tiền kỷ lục của khối ngoại khỏi trái phiếu Trung Quốc.
Tháng 2, các nhà đầu tư ngoại cũng đã rút hơn 7 tỷ USD khỏi trái phiếu Trung Quốc thông qua kênh giao dịch với Hong Kong.
WSJ dẫn các phân tích của giới chuyên gia tài chính cho hay, đợt bán tháo lần này do nhiều nguyên nhân, như lo ngại rủi ro địa chính trị khi đầu tư tại Trung Quốc, sự bất ổn kinh tế cũng như chênh lệch lợi suất giảm dần của thị trường trái phiếu lớn thứ 2 thế giới so với trái phiếu Mỹ.
Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho biết một số quỹ quốc tế lo ngại việc giữ tài sản của Trung Quốc sau các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của phương Tây đối với Nga.
Mặt khác, theo ông, nhiều khả năng Ngân hàng trung ương Nga sẽ bán trái phiếu Trung Quốc để huy động tiền mặt và trả nợ nước ngoài, do tài sản của Nga tại Mỹ, Nhật và EU đang bị đóng băng.
Tuy vậy, Jonathan Fortun, chuyên gia tại Viện Tài chính quốc tế cho rằng, số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc vừa qua "là quá nhỏ so với tổng các khoản nợ Trung Quốc mà họ đang sở hữu, khoảng 561 tỷ USD". Nhưng ông nói đợt bán tháo lần này đáng chú ý bởi Trung Quốc thường đứng ngoài xu thế rút tài sản trong các đợt căng thẳng của thị trường trước đây, như cú sốc vì dịch Covid-19 hay cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Xu hướng rút tiền khỏi trái phiếu Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục trong đầu tháng 4", chuyên gia Viện Tài chính quốc tế nói.
Những năm gần đây, các bên cung cấp chỉ số toàn cầu đã bổ sung nợ của Trung Quốc vào chỉ số chuẩn của họ. Vì thế, nhu cầu của quốc tế với trái phiếu định giá bằng đồng nhân dân tệ tăng lên.
Năm ngoái, chênh lệch lãi suất trái phiếu Mỹ và Trung Quốc là hơn 2 điểm phần trăm. Song hiện mức chênh này đã rút về còn 0,12 điểm phần trăm, theo tính toán của FactSet. Giới phân tích dự báo chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ - Trung Quốc tiếp tục giảm trong những tháng tới. Tức là, trái phiếu kỳ hạn ngắn hay dài hạn của Trung Quốc sẽ có lợi suất thấp hơn trái phiếu cùng loại của Mỹ.
Thông tin phát đi hôm thứ Năm của Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho hay, bất chấp những biến động thị trường, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này sẽ hồi phục trong dài hạn. Họ cũng khẳng định, dòng vốn đầu tư xuyên biên giới vẫn ở mức bình thường và đang trong tầm kiểm soát.