Với quy mô thanh khoản liên tục ở mức thấp nhiều phiên gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam rất khó tìm được động lực tăng mạnh một cách rõ rệt.
Giao dịch rơi vào trạng thái rất buồn ngủ với biến động hẹp và thị trường luôn tạo cảm giác thiếu lực hoặc vô hướng. Các cổ phiếu dao động ảnh hưởng nhiều từ thông tin nội tại và không thể kéo dài lâu, kể cả chiều tăng lẫn chiều giảm.
Những con sóng bất định
Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá của 2 cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo và KBC của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc-Công ty cổ phần của ông “nghị” Đặng Thành Tâm bất ngờ có sự quay đầu tăng giá, sau tình trạng bị bán tháo kéo dài nhiều tháng do những tin đồn tiêu cực gắn liền với sự vắng mặt và sức khỏe của vị đại biểu Quốc hội-doanh nhân này đã ít nhiều khiến thị trường bớt tẻ nhạt. Có ý kiến cho rằng, sau bao nhiêu đồn thổi thì sự xuất hiện trở lại của ông Tâm có giá trị ổn định tâm lý, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi mua, sở hữu 2 cổ phiếu này.
Tuy nhiên, theo phân tích kiểu căn bản thì về tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp này, trên thực tế không có nhiều biến động, vẫn khó khăn như hàng vạn doanh nghiệp khác. Và chính ông Tâm cũng đã nói rõ, trong tình hình khó khăn chung thì doanh nghiệp của ông cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và thậm chí ông lúc này đây chỉ ước mơ được trở về với thời kỳ ban đầu của mình, khi chiếc áo đầu tư đa ngành đang ngày càng quá khổ.
Theo giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán ở TP HCM, những cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn, có thị giá dưới mệnh giá như ITA, KBC thường được giới đầu cơ chú ý. Không cần biết doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào, chỉ cần mỗi động thái của các đại gia đang sở hữu cổ phần hoặc có liên quan tới doanh nghiệp đều khiến giá cổ phiếu biến động lên- xuống rất mạnh. Hễ có điều kiện, có thông tin thì hoạt động đẩy giá để thoái hàng hay dìm giá mua vào sẽ xuất hiện.
Điều này có thể thấy rõ khi một số doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận lạc quan trong năm và xem xét diễn biến giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cho thấy, mặc dù khối lượng giao dịch cổ phiếu tương đối cao, nhưng mức giá thì hầu như “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, nhìn vào tiến độ công bố kết quả kinh doanh quý III cho thấy, những doanh nghiệp tốt đã chủ động công bố lợi nhuận từ sớm, nổi lên một số “điểm sáng” như VNM, GAS, DMP, PGS...
Bên cạnh những đại gia “sống khỏe” khi trung thành với ngành nghề kinh doanh chính như VNM, DHG, VIC thì cũng có không ít doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm, thậm chí đột biến và vượt xa kế hoạch đề ra. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng chễm chệ trên hàng “top ten”, trong khi nhiều người mơ ước mà không với tới được. Ngoài ra, vẫn còn không ít doanh nghiệp lớn chưa công bố kết quả kinh doanh quý III như HAG, SJS...
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư tỏ ra hờ hững với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố, kể cả đối với những doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận khả quan. Một số nhà đầu tư chia sẻ, khó kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến của doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính. Thực tế, những doanh nghiệp dạng này thường công bố thông tin không được như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Dòng tiền vẫn lạnh nhạt với chứng khoán
Có thể nói, động lực từ báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp đã không giúp thị trường bứt phá, cộng với tâm lý chưa hết bi quan của nhiều nhà đầu tư khiến thanh khoản trên hai sàn luôn ở mức thấp. Trong quý III, Vn-Index đã mất 7% số điểm, giảm từ mức 422,3 điểm xuống còn 392,6 điểm vào cuối tháng 9. Trong khi đó, HNX-Index mất 22% so với quý II. Thanh khoản đã sụt giảm rất mạnh trong quý này trên cả 2 sàn.
Cụ thể, sàn TPHCM chỉ còn giao dịch hơn 41.000 tỷ đồng, trong khi quý II là hơn 82.000 tỷ đồng; và sàn Hà Nội, giá trị giao dịch của quý vừa qua cũng chỉ còn 21.000 tỷ đồng- giảm một nửa so với quý trước. Trong hàng chục phiên giao dịch gần đây trong tháng 10 này, giao dịch trên cả 2 sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội vẫn rất ảm đạm. Trong phiên giao dịch 30/10, giá trị giao dịch trên sàn TP HCM chỉ đạt vỏn vẹn 278 tỷ đồng, còn trên sàn Hà Nội cũng chỉ đạt 259 tỷ đồng. Giá của đa số các cổ phiếu vẫn ở mức dưới 10.000 đồng, rất nhiều trong số đó quay quanh ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có mã chỉ có giá vài trăm đồng.
Hai yếu tố quan trọng nhất có thể “đẩy” được thị trường chứng khoán đi lên là cổ phiếu tốt và dòng tiền. Thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều doanh nghiệp duy trì được phong độ kinh doanh tốt, nhưng dòng tiền mới trên thị trường chứng khoán không có. Dòng tiền chủ yếu quay vòng để đảo nợ, khó có thêm dòng tiền mới cho thị trường, mà nguyên nhân chính ở đây là do niềm tin vào thị trường đang quá yếu.
Một tình trạng ngày càng phổ biến trên thị trường là nhiều doanh nghiệp giảm trừ doanh thu khiến báo cáo kinh doanh bị sai lệch con số lời-lỗ, hoặc ký gia hạn hợp đồng thanh toán để không lòi ra nợ quá hạn để lách trích dự phòng... Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ cần biết thực sự doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào, tốt hay xấu hoặc vừa vừa, chứ không phải những báo cáo được đưa ra đều đặn nhưng lại không phản ánh được giá trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nổi lên nhất trong thời gian gần đây là câu chuyện thị trường xuất hiện nhiều giao dịch bất thường khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn. Và lẽ ra, cơ quan quản lý phải có mặt và ''tuýt còi'' về những việc này. Một vị lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã từng phát biểu: bảo vệ nhà đầu tư là chức năng quan trọng nhất của Ủy ban chứng khoán, bởi thị trường chỉ thu hút được nhà đầu tư khi họ thấy an toàn và được bảo vệ. Tuy nhiên, chừng nào các biện pháp quản lý vẫn chưa thể soi kỹ được những giao dịch mang tính chất tư lợi thì rất khó mang niềm tin của nhà đầu tư về lại với thị trường.
Theo Lao động