Vụ kiện dân sự đã được TAND quận Đống Đa thụ lý và lên kế hoạch xét xử ngày 4/3. Nguyên đơn là anh Nguyễn Tuấn Hải, 35 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng. Bị đơn là Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS).
Nội dung đơn kiện thể hiện, 8-9h ngày 27/8/2021, MB phát hành 8 mã chứng quyền có đảm bảo. Anh Hải, nhà đầu tư cá nhân đã mua một mã với số lượng 10.000 chứng quyền, giá trị 14 triệu đồng, qua kênh giao dịch trực tuyến Stock24 của MBS.
15h24 cùng ngày, bản cáo bạch và thông báo phát hành của 8 mã chứng quyền này mới được đăng tải trên website của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), https://www.hsx.vn.
Anh cho rằng điều này không tuân thủ quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 107/2016 và Điều 25 Luật Chứng khoán.
Theo anh, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền, tổ chức phát hành (MBS) phải công bố Bản cáo bạch và Bản thông báo phát hành trên cả 2 website: của HoSE và của MBS. Chứng quyền chỉ được chào bán sau khi MBS hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin trên cả hai kênh trên.
Anh cho rằng việc đăng tải thông tin trên website của MBS do công ty này tự chủ. Song để đăng lên website của HoSE, theo quy định, MBS cần gửi các hồ sơ này cho HoSE. HoSE có nghĩa vụ công bố trong 24h kể từ khi nhận.

Nhà đầu tư Nguyễn Tuấn Hải kiện MBS vi phạm quy định công bố thông tin trong đợt phát hành chứng quyền, tháng 8/2021. Ảnh: Thanh Lam
Để tìm hiểu nguyên nhân, anh cho hay đã gửi văn bản và được HoSE trả lời 18h30 ngày 26/8/2021 nhận được hồ sơ do MBS gửi. "HoSE đăng lên website của họ lúc 15h24 hôm sau, tức vẫn trong vòng 24h kể từ khi nhận hồ sơ, do đó, theo tôi HoSE không có lỗi với sự chậm trễ này", nguyên đơn do đó cáo buộc việc thông tin đăng trên HoSE bị muộn do lỗi của MBS.
"Nhà đầu tư xem các thông tin này để cân nhắc có mua hay không và mua bao nhiêu mà MBS bán xong mới công bố thì không có ý nghĩa", người kiện nêu quan điểm.
Anh Hải cho rằng nhà đầu tư không có nghĩa vụ phải xem cả hai kênh công bố thông tin mà có thể lựa chọn một trong hai, để đưa ra quyết định. Bởi có người quen đọc thông tin trực tiếp trên website của công ty phát hành, do thường có sớm hơn so với HoSE.
"Song có những người muốn đọc trên HoSE, do website của các công ty, thông tin đăng tải ở các mục khác nhau, khó theo dõi, bao nhiêu công ty bấy nhiêu website. Còn ở website của HoSE, toàn bộ thông tin về các đơn vị phát hành chứng quyền hôm đó, chỉ tập trung ở một mục, dễ xem và tiện tra cứu hơn", anh nói.
Nhà đầu tư này biết về đợt bán chứng quyền do trực tiếp đọc thông tin trên website của MBS. Song các nhà đầu tư khác, nếu theo dõi website của HoSE sẽ chỉ biết về đợt chứng quyền sau khi đã kết thúc, tức là không mua được. Theo anh, việc này dẫn đến cơ cấu, số lượng nhà đầu tư và thay đổi, thị trường biến động và gián tiếp ảnh hưởng đến anh.
Nguyên đơn cho hay đã có đơn tố cáo gửi cơ quan quản lý Nhà nước, và trực tiếp làm việc với MBS, đề nghị MBS "công khai thừa nhận vi phạm" song không đạt nguyện vọng.
Anh do đó khởi kiện, không yêu cầu bồi thường chỉ đề nghị tòa tuyên giao dịch vô hiệu do trái luật.
"Qua vụ kiện, tôi muốn các nhà đầu tư khác mua chứng quyền trong đợt chào bán đó biết rằng quyền lợi của họ có thể bị ảnh hưởng, nên rà soát lại. Hơn hết tôi chỉ muốn môi trường đầu tư minh bạch cho cá nhân như tôi", nguyên đơn bày tỏ.
MBS: Phát hành chứng quyền đúng quy định
MBS cho rằng có yếu tố bối cảnh quan trọng mà nguyên đơn không đề cập là thời điểm phát hành chứng quyền vào giữa cao điểm dịch Covid-19. Với quy định người dân phải làm việc tại nhà, việc đi lại rất khó khăn và phải có lý do thực sự chính đáng, được cấp giấy đi đường mới được rời khỏi nhà.

Công an kiểm tra giấy đi đường của người dân ở Hà Nội trong dịch Covid-19, tháng 8/2021. Ảnh: Giang Huy
Với đợt chào bán chứng quyền ngày 27/8/2021, MSB được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp hồ sơ chào bán chứng quyền vào ngày 24/8. Song đến 26/8 MBS mới nhận được.
"Bởi vì lúc đó, chính cán bộ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải xin giấy đi đường mới được phép đi ra ngoài, để bàn giao giấy chấp thuận đó cho MBS. Giấy tờ này không thể gửi online mà trực tiếp giao bằng bản giấy", MBS cho hay.
Về lý do gửi thông tin đến HoSE từ tối ngày 26/8, nhưng chiều 27/8 mới xuất hiện website của HoSE, MBS giải thích: Theo nguyên tắc, HoSE nhận thông tin phải có người phê duyệt. "Và người phê duyệt đó có giấy đi đường mới có thể rời khỏi nhà", công ty cho rằng bối cảnh này là yếu tố bất khả kháng dẫn đến việc thông tin được công bố sau khi chứng quyền đã phát hành.
MBS khẳng định đã "rất cố gắng để thực hiện gửi công bố thông tin đúng thời gian và về cơ bản, đã thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin". Công ty chứng khoán này do đó phản đối nội dung khởi kiện của nguyên đơn, với hai lý do.
Thứ nhất, MBS khẳng định hợp đồng đặt mua chứng quyền giữa MBS và nguyên đơn phù hợp quy định pháp luật dân sự và phát sinh hiệu lực với cả hai bên.
Về hình thức và chủ thể thực hiện giao dịch, MBS nêu anh Hải mua 10.000 chứng quyền qua Stock24 của MBS. Khi truy cập tài khoản và thực hiện mua chứng quyền, nguyên đơn đã tích vào ô: "Tôi đã đọc và đồng ý với các điều khoản và điều kiện đăng ký mua chứng quyền tại MBS". Điều này đồng nghĩa, anh đã chấp nhận giao dịch bán chứng quyền của MBS, theo quy định Bộ luật Dân sự 2015.
Nguyên đơn đã tự nguyện đặt lệnh mua, thực hiện giao dịch với MBS. Do vậy, theo MBS, thời gian đăng tải thông tin trên website, không ảnh hưởng đến ý chí tự nguyện, nhận thức của nguyên đơn khi mua chứng quyền.
Công ty khẳng định việc phát hành chứng quyền của MBS không vi phạm điều cấm của luật, do đã thực hiện các hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin việc phát hành chứng quyền theo quy định. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau khi xem xét hồ sơ, đã cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền cho MBS, công ty sau đó đã công bố đầy đủ thông tin theo quy định.
Thứ hai, MBS cho rằng không có cơ sở để xác định giao dịch này vô hiệu.
MBS dẫn quy chế công bố thông tin tại HoSE: Yêu cầu các công ty công bố thông tin trên website của đơn vị mình đồng thời gửi thông tin công bố đến HoSE, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để báo cáo và công bố thông tin trên website của HoSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Thông tin website nêu rõ thời điểm (ngày, giờ) công bố thông tin.
MBS cho rằng căn cứ quy chế này, công ty chỉ cần "gửi thông tin" cho HoSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, không quy định bắt buộc thông tin này phải xuất hiện trên website của HoSE và Uỷ ban thì mới được bán chứng quyền.
MBS dẫn chứng, cả Thông tư 96/2020 và 107/2016 của Bộ Tài chính đều không quy định công ty chứng khoán chỉ được chào bán chứng quyền sau khi có thông tin công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán.
Từ các phân tích trên, MBS khẳng định giao dịch trên "hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật".
Thanh Lam