Sự lo lắng của nhà đầu tư khi mở phiên giao dịch ngày 8/1 đã khiến các chỉ số lao dốc mạnh. Có thời điểm VN-Index rơi gần 9 điểm về sát ngưỡng 565 điểm. Tuy nhiên, ở vùng giá thấp, lực cầu tăng đã hãm đà rơi của thị trường.
Tuy vậy, sắc đỏ vẫn bao trùm hai sàn. Chốt phiên, VN-Index chỉ còn giảm hơn 5 điểm xuống khoảng 560 điểm. Toàn sàn có 164 mã giảm, 28 mã giảm sàn trong khi chỉ có 61 mã tăng.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm thêm 0,74 điểm, xuống 76,4 điểm. Toàn sàn có 126 mã giảm, trong khi chỉ có 62 mã tăng. Bớt lo lắng, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch sôi động hơn, thanh khoản hai sàn tăng lên gần 2.500 tỷ đồng.
Các mã cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều trên đà lao dốc: FPT giảm 700 đồng, VNM giảm 2.000 đồng, HHS giảm 500 đồng, SSI giảm 500 đồng, MSN giảm 1.000 đồng, HPG giảm 500 đồng…
Các dòng cổ phiếu ngân hàng có mức giảm nhẹ hơn: VCB giảm 300 đồng, CTG giảm 400 đồng, MBB giảm 100 đồng, BID giảm 500 đồng, EIB giảm 200 đồng…
Cổ phiếu có tính thanh khoản cao cũng chịu chung đà giảm: SCR giảm 100 đồng, KLF giảm 300 đồng, HAI và JVC giảm sàn 300 đồng, FLC giảm 200 đồng.
Dòng dầu khí có dấu hiệu khởi sắc phiên sáng nhưng sau đó đảo chiều giảm điểm: PVD, PVX, PVC… Trong khi GAS và HAG vẫn giữ được sắc xanh: HAG tăng 100 đồng, GAS tăng 500 đồng…
Đứng trước áp lực suy giảm lớn từ thị trường thế giới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chỉ số vẫn còn dư địa tiếp tục giảm sâu đặc biệt khi sức ép tỷ giá trong giai đoạn này là rất lớn và ở mức khó kiểm soát. Theo đó, VCBS không khuyến nghị hành động mua bắt đáy. Thay vào đó, nhà đầu tư được khuyên giữ tiền mặt và ưu tiên mục tiêu bảo toàn vốn.
Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc ngừng giao dịch trong phiên hôm 7/1, cùng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 0,51% đã tạo ra đà bán tháo cổ phiếu trên toàn thế giới. Chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng ở mức đáy, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.
Bạch Dương